Trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành của tổ chức tôn giáo được quy định như thế nào?

Trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành của tổ chức tôn giáo được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi có vấn đề muốn hỏi như sau: Tôi rất quan tâm tới các quy định về vấn đề tôn giáo. Tôi muốn hỏi: Trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành của tổ chức tôn giáo được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp tôi. Xin cám ơn! Bạn đọc Hoàng Thị Hạnh, địa chỉ mail hoang_hanh****@gmail.com.

Trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành của tổ chức tôn giáo được hướng dẫn tại Mục VIII Thông tư 01/1999/TT-TGCP hướng dẫn Nghị định 26/1999/NĐ-CP về các hoạt động tôn giáo do Ban Tôn Giáo Chính Phủ ban hành.

Theo đó, trong khi chờ đợi Thông tư liên tịch của Ban Tôn giáo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần thực hiện một số quy định sau đây:

1. Về mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành của tổ chức tôn giáo.

Học viện Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học, Trường cao đẳng Phật học, Trường Cơ bản Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại Chủng viện của Giáo hội Công giáo Việt Nam và các trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo khác khi mở trường phải xin phép Thủ tướng Chính phủ.

Ban Tôn giáo của Chính phủ, các Bộ, Ngành chức năng và ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trường tôn giáo thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra giúp tổ chức tôn giáo có trường tôn giáo hoạt động đúng pháp luật.

2. Tổ chức hoạt động của các loại trường đào tạo của tổ chức tôn giáo theo quy định

Giám đốc Học viện Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật giáo, Giám đốc Đại Chủng viện của Giáo hội Công giáo và các chức danh tương đương của trường của các tổ chức tôn giáo khác do tổ chức tôn giáo bổ nhiệm sau khi có sự chấp thuận của Trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phật học, Trường cơ bản Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Lớp giáo lý hạnh đường của đạo Cao đài và các trường lớp tương đương của tôn giáo khác do người đứng đầu tổ chức tôn giáo địa phương bổ nhiệm với sự chấp thuận của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Các loại trường, lớp của các tổ chức tôn giáo phải có quy chế hoạt động:

Chức năng, nhiệm vụ của trường.

Tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường, lớp tôn giáo.

Nhiệm vụ, quyền hạn của giảng viên.

Nhiệm vụ và quyền hạn của người học.

Tổ chức quản lý trường, lớp tôn giáo.

Quan hệ của trường, lớp tôn giáo và xã hội.

Giám đốc, Viện trưởng, Hiệu trưởng trường, lớp của các tổ chức tôn giáo chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động .

Giảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước.

Người vào học các trường, lớp đào tạo chức sắc, nhà tu hành phải hoàn thành các nghĩa vụ công dân, lý lịch rõ ràng có xác nhận của chính quyền cấp xã.

Chương trình đào tạo chức sắc, nhà tu hành các trường, lớp tôn giáo có môn Giáo dục công dân (giáo dục chính trị, pháp luật, lịch sử dân tộc) là môn học chính khoá.

Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục đào tạo để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc (Điều 17, Luật Giáo dục).

(Các trường, lớp đào tạo chức sắc, nhà tu hành của từng tôn giáo sẽ có văn bản hướng dẫn riêng).

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành của tổ chức tôn giáo, được quy định tại Thông tư 01/1999/TT-TGCP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tín ngưỡng tôn giáo

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào