Quy định về chứng minh lỗi trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
Theo Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì:
Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;
đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, theo điểm đ, khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Trường hợp bạn không ký vào biên bản xử phạt, cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu người làm chứng ký. Tuy nhiên, nếu không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bạn có thể thực hiện quyền khiếu nại, và người ra quyết định bị khiếu nại sẽ phải chứng minh hành vi vi phạm.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về chứng minh lỗi trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật