Trách nhiệm lập, nội dung và căn cứ lập quy trình bảo trì công trình đường cao tốc được quy định như thế nào?
Trách nhiệm lập, nội dung và căn cứ lập quy trình bảo trì công trình đường cao tốc được quy định tại Điều 22 Thông tư 90/2014/TT-BGTVT hướng dẫn về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc như sau:
Quy định về trách nhiệm lập, nội dung và căn cứ lập quy trình bảo trì công trình đường cao tốc áp dụng các nội dung quy định về trách nhiệm lập, nội dung và căn cứ lập quy trình bảo trì công trình đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư 52/2013/TT-BGTVT.
Điều 6 Thông tư 52/2013/TT-BGTVT quy định Trách nhiệm lập quy trình bảo trì công trình đường bộ
1. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ:
a) Nhà thầu thiết kế kỹ thuật (đối với công trình thiết kế 3 bước), nhà thầu thiết kế bản vẽ thi công (đối với công trình thiết kế 1 hoặc 2 bước) có trách nhiệm lập và bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì công trình, bộ phận công trình do mình thiết kế cùng với hồ sơ thiết kế;
b) Nhà thầu cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình có trách nhiệm lập và bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì thiết bị do mình cung cấp trước khi nghiệm thu, bàn giao thiết bị đưa vào khai thác, sử dụng;
c) Trường hợp nhà thầu thiết kế, nhà thầu cung cấp thiết bị quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này không lập được quy trình bảo trì, chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật để lập quy trình bảo trì. Kinh phí thuê tổ chức tư vấn lập quy trình bảo trì lấy từ kinh phí trong hợp đồng ký kết với nhà thầu thiết kế hoặc nhà thầu cung cấp thiết bị.
2. Đối với các công trình đang sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì, cơ quan quản lý đường bộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng tổ chức lập hoặc thuê tư vấn lập quy trình bảo trì công trình đường bộ.
3. Không bắt buộc lập quy trình bảo trì đối với các công trình, hạng mục công trình sau:
a) Công trình tạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với trường hợp này, cơ quan quản lý đường bộ, chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng vẫn phải tổ chức thực hiện bảo trì theo quy định của Nghị định số 114/2010/NĐ-CP và quy định của Thông tư này;
b) Công trình, hạng mục công trình đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì được cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Điều 7 Thông tư 52/2013/TT-BGTVT quy định về nội dung và căn cứ lập quy trình bảo trì công trình đường bộ
1. Nội dung quy trình bảo trì công trình được lập phải bảo đảm bao quát toàn bộ các bộ phận công trình theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP.
2. Căn cứ lập quy trình bảo trì công trình đường bộ bao gồm:
a) Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình;
b) Quy trình bảo trì của công trình tương tự (nếu có);
c) Hồ sơ thiết kế (kể cả hồ sơ thiết kế điều chỉnh, nếu có), chỉ dẫn kỹ thuật thi công xây dựng công trình;
d) Chỉ dẫn của nhà sản xuất, cung cấp và lắp đặt thiết bị vào công trình;
đ) Điều kiện tự nhiên nơi xây dựng công trình;
e) Kinh nghiệm quản lý, sử dụng công trình và thiết bị lắp đặt vào công trình;
g) Các quy định có liên quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Đối với công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì, ngoài quy định tại khoản 2 Điều này, việc lập quy trình bảo trì còn phải căn cứ vào hồ sơ hoàn thành công trình, bản vẽ hoàn công và khả năng khai thác thực tế của công trình.
Trên đây là quy định về trách nhiệm lập, nội dung và căn cứ lập quy trình bảo trì công trình đường cao tốc. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 90/2014/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật