Kiểm định an toàn đập của hồ chứa nước được quy định như thế nào?
Kiểm định an toàn đập của hồ chứa nước được hướng dẫn tại Điều 17 Nghị định 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, theo đó:
1. Phải định kỳ kiểm định an toàn đối với đập của các hồ chứa nước có dung tích trữ bằng hoặc lớn hơn 10.000.000 m3 (mười triệu mét khối), theo quy định sau đây:
a) Việc kiểm định được thực hiện theo định kỳ không quá 10 năm, kể từ ngày hồ tích nước hoặc kể từ lần kiểm định gần nhất.
b) Công tác kiểm định do chủ đập tổ chức thực hiện. Chủ đập lựa chọn đơn vị tư vấn kiểm định có đủ năng lực theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Nội dung kiểm định gồm:
- Đánh giá kết quả công tác quản lý đập theo nội dung quy định tại Chương III Nghị định này;
- Kiểm tra, phân tích tài liệu đo đạc, quan trắc đập;
- Kiểm tra, đánh giá chất lượng và sự an toàn của đập;
- Kiểm tra tình trạng bồi lắng của hồ chứa;
- Tính toán lũ, khả năng xả lũ của hồ chứa theo tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành và tài liệu khí tượng thuỷ văn đã được cập nhật;
- Đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão tại công trình.
d) Kết quả kiểm định phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
2. Đối với các hồ chứa có dung tích trữ dưới 10.000.000 m3 (mười triệu mét khối), theo định kỳ 7 năm, chủ đập phải tổ chức tính toán lại dòng chảy lũ đến hồ chứa, kiểm tra khả năng xả lũ của hồ chứa theo tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành, trên cơ sở cập nhật tài liệu quan trắc khí tượng thuỷ văn và các thay đổi về địa hình, địa mạo, độ che phủ của thảm thực vật trên lưu vực hồ chứa, lập hồ sơ báo cáo trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
3. Chủ đập chịu trách nhiệm chi trả kinh phí tư vấn kiểm định an toàn đập.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về kiểm định an toàn đập của hồ chứa nước, được quy định tại Nghị định 72/2007/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật