Chính sách bồi thường cho người gặp nạn trên máy bay
Điều 160 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Luật Sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về bồi thường thiệt hại với hành khách đi máy bay như sau: “Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hành khách chết hoặc bị thương do tai nạn xảy ra trong tàu bay, trong thời gian người vận chuyển đưa hành khách lên tàu bay hoặc rời tàu bay”.
Điều 163 cũng quy định về trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc của người vận chuyển (cụ thể là hãng hàng không), cụ thể: “Người vận chuyển phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tính mạng, sức khoẻ của hành khách, việc mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa, hành lý và do vận chuyển chậm hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm khác đến mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển quy định tại Điều 166 của Luật này”.
Ngoài ra, điểm a khoản 1 Điều 166 quy định về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển:
“1. Người vận chuyển được hưởng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
a) Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là một trăm nghìn đơn vị tính toán cho mỗi hành khách”.
Trong khi đó quyền của hành khách được quy định: “1. Được thông báo bằng văn bản về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển áp dụng đối với trường hợp hành khách bị chết, bị thương, hành lý bị hư hỏng, mất và vận chuyển chậm” (Điều 147).
Từ những quy định trên có thể thấy trách nhiệm của các hãng hàng không là phải mua bảo hiểm cho toàn bộ hành khách trong các chuyến bay. Tuy nhiên, quyền lợi của khách hàng được hưởng ra sao, mức độ bảo hiểm tới đâu còn tùy vào nhiều yếu tố bởi vì pháp luật không quy định mức bồi thường cụ thể mà quyền lợi của hành khách tùy thuộc vào từng hãng hàng không, gói bảo hiểm (tức mức trách nhiệm) mà hãng hàng không đó mua cũng như phụ thuộc vào thực tế thỏa thuận giữa hãng hàng không và hành khách.
Thư Viện Pháp Luật