Quan trắc đập của công trình thủy điện được quy định như thế nào?
Quan trắc đập của công trình thủy điện được hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 34/2010/TT-BCT quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện do Bộ Công thương ban hành, theo đó:
1. Chủ đập tổ chức thực hiện quan trắc, ghi chép và lưu trữ các thông số quan trắc được lắp đặt tại công trình đập và thu thập các thông tin về khí tượng, thủy văn liên quan theo quy định hiện hành; cập nhật thông tin dự báo dòng chảy đến công trình.
2. Trong thời gian xuất hiện lũ, phải quan trắc mực nước thượng lưu, hạ lưu đập ít nhất như sau:
a) Đối với các hồ chứa có tràn xả lũ kiểu tự do
- Khi mực nước hồ thấp hơn ngưỡng tràn: Quan trắc 4 lần/ngày;
- Khi mực nước hồ bằng hoặc cao hơn ngưỡng tràn: Quan trắc 1 lần/giờ;
- Khi mực nước hồ cách mực nước gia cường 1,0m: Quan trắc 4 lần/giờ.
b) Đối với các hồ chứa, tràn xả lũ có cửa van
Quan trắc 1 lần/giờ; Khi mực nước hồ cách mực nước gia cường 1,0 m: Quan trắc 4 lần/giờ.
3. Việc thiết kế bố trí thiết bị quan trắc (chuyển vị, thấm, nhiệt độ, áp lực kẽ rỗng, trạng thái ứng suất, áp lực đất đá lên công trình, ứng lực cốt thép của kết cấu bê tông cốt thép, áp lực nước) thực hiện theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8215:2009 Công trình thuỷ lợi - các quy định chủ yếu về thiết kế bố trí thiết bị quan trắc cụm công trình đầu mối.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về quan trắc đập của công trình thủy điện, được quy định tại Thông tư 34/2010/TT-BCT. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật