Lấy lại sổ đỏ thế nào khi đã thế chấp ở ngân hàng?

Bố em có vay ngân hàng số tiền 25 triệu đồng thế chấp sổ đỏ (em không hỏi là vay bao nhiu năm) nhưng tính đến nay đã là 10 năm bố em không trả lãi. Tháng 6 năm 2016 này bố em có mang tiền ra trả cả gốc lẫn lãi là là hơn 60tr, trả gốc 20tr nhưng ngân hàng có bảo phạt bố em 15tr đồng nữa nếu muốn trả lãi để lấy bìa đỏ. Vậy cho em hỏi ngân hàng làm như vậy có đúng k? Và nó được quy định ở luật nào? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Do bạn không nói cụ thể việc vay tiền của bạn với ngân hàng có thời hạn trả tiền gốc và lãi là bao giờ cũng như hợp đồng vay tiền của bạn là hợp đồng vay có kỳ hạn hay không kỳ hạn  nên chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn theo hướng sau:

Căn cứ Điều 474 Bộ luật dân sự 2005 thì: 

"Điều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.

5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, căn cứ theo khoản 5 trường hợp gia đình bạn vay có lãi mà khi đến hạn không trả hoặc trả không đầy đủ thì gia đình bạn phải trả " lãi trên nợ gốc' và " lãi quá hạn" theo lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước công bố. Như bạn trình bày, tính đến thời điểm từ khi vay đến hiện tại bố bạn không trả lãi thì số tiền bố bạn phải trả cả gốc lẫn lãi các năm là 60 triệu.

Còn đối với số tiền 15 triệu mà bạn nêu là tiền phạt, bạn cần phải xác định rõ trong hợp đồng vay có thỏa thuận mức phạt hay không. Nếu có mức phạt cụ thể là bao nhiêu. Và bạn lưu ý mức phạt ở đây là phạt vi phạm hợp đồng tương ứng với phần trăm nghĩa vụ vi phạm mà không phải giá trị hợp đồng. 

Nếu như không có thỏa thuận phạt vi phạm được quy định trong hợp đồng, bạn yêu cầu ngân hàng nêu rõ khoản tiền này là tiền gì căn cứ pháp lý quy định tại văn bản nào vì trong trường hợp này ngân hàng đã tính lãi quá hạn đối với khoản vay của gia đình bạn rồi, nên ngân hàng có quyền tính lãi chậm trả do vi phạm nghĩa vụ trả nợ  theo quy định tại điều 305 Bộ luật dân sự 2005. Nếu ngân hàng đưa ra căn cứ này bạn có thể trao đổi rằng ngân hàng đã tính lãi quá hạn đối với khoản tiền này rồi, do đó không được áp dụng quy định này nữa. 

"Điều 305. Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự

2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác".

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về lấy lại sổ đỏ khi đã thế chấp ở ngân hàng. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Sổ đỏ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào