Quy định về tham gia giao thông bằng xe đạp điện theo quy định hiện hành

Chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Khánh Nguyên, có vấn đề thắc mắc cần Ban biên tập tư vấn. Con tôi hiện đang học lớp 10 và cháu muốn tôi mua cho một chiếc xe đạp điện. Tôi rất băn khoăn, xin cho biết quy định mới về tham gia giao thông bằng xe đạp điện. Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Một trong những quy định mới nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông bằng xe đạp điện thì người tham gia phải đội mũ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

1. Một số thông tin, quy định liên quan đến quy định mới về tham gia giao thông bằng xe đạp điện.

Ngày 01/11/2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ký Thông tư 39/2013/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện.

Theo đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện số hiệu QCVN 68:2013/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành kèm theo Thông tư số 39/2013/TT-BGTVT ngày 01/11/2013. Quy chuẩn quy định các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và phương pháp thử đối với xe đạp điện, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kiểm tra, thử nghiệm, quản lý và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện.

Theo định nghĩa của Quy chuẩn, Xe đạp điện - Electric bicycles là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250 W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40 kg.

Quy chuẩn quy định rõ về yêu cầu kỹ thuật của xe cụ thể: Yêu cầu chung, Khối lượng bản thân của xe; Động cơ điện của xe; Vận tốc lớn nhất của xe; Khả năng vận hành; Quãng đường đi được liên tục của xe; Tiêu hao năng lượng điện; Ắc quy xe; Hệ thống điện; Bộ điều khiển; Hệ thống phanh; Vận hành trên đường của xe và các phương pháp thử đối với từng yêu cầu kỹ thuật.

Quy chuẩn cũng đưa ra các quy định quản lý, cụ thể: Phương thức kiểm tra, thử nghiệm; Tài liệu kỹ thuật và mẫu thử; Báo cáo thử nghiệm và việc áp dụng quy định.

2. Quy định về mức phạt khi có sự vi phạm.

Cùng với đó thì Điều 8 Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng quy định về xử phạt đối với người điều khiển xe đạp điện khi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định;

b) Dừng xe đột ngột; chuyển hướng không báo hiệu trước;

c) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, Điểm h Khoản 2; Điểm e Khoản 4 Điều này;

d) Vượt bên phải trong các trường hợp không được phép;

đ) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường;

e) Chạy trong hầm đường bộ không có đèn hoặc vật phát sáng báo hiệu; dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ;

g) Điều khiển xe đạp, xe đạp máy đi dàn hàng ngang từ 03 (ba) xe trở lên, xe thô sơ khác đi dàn hàng ngang từ 02 (hai) xe trở lên;

h) Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động; người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù);

i) Điều khiển xe thô sơ đi ban đêm không có báo hiệu bằng đèn hoặc vật phản quang.

2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, đỗ xe trên đường xe điện, đỗ xe trên cầu gây cản trở giao thông;

b) Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều 48 Nghị định này;

c) Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn hoặc gây cản trở đối với xe cơ giới xin vượt, gây cản trở xe ưu tiên;

d) Dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường, gây cản trở giao thông;

đ) Không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;

e) Xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô chở quá số người quy định, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu;

g) Xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định, không bảo đảm an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển;

h) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

3. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe đạp, xe đạp máy buông cả hai tay; chuyển hướng đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy; dùng chân điều khiển xe đạp, xe đạp máy;

b) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

c) Người điều khiển hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

4. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường;

b) Đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, xe đạp máy; đi xe bằng hai bánh đối với xe xích lô;

c) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;

d) Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;

đ) Chở người ngồi trên xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;

e) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.

5. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 4 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện.

 

Theo như các quy định này thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là xe đpạ điện ngoài việc tuân thủ các quy định về quy chuẩn của xe còn phải đội mũ bảo hiểm và cũng sẽ bị xử phạt nếu vi phạm các quy định về an toàn giao thông.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tham gia giao thông bằng xe đạp điện theo quy định hiện hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 46/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào