Giá trị pháp lý của vi bằng
Điều 219 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án.
Điều 675 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc.
Theo thông tin bạn cung cấp, tài sản là quyền sử dụng đất đứng tên bố và mẹ bạn. Số tài sản chung của bố mẹ bạn sẽ được chia theo công sức đóng góp tạo lập để hình thành nên tài sản chung đó. Trường hợp không xác định được thì sẽ chia theo nguyên tắc chia đôi. Do bố bạn mất không để lại di chúc, nên trường hợp này phần tài sản của bố bạn sẽ chia theo pháp luật.
Căn cứ theo quy định trên, những người được hưởng di sản do bố bạn để lại bao gồm: mẹ bạn, bạn và các anh chị em của bạn, bà bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng suất thừa kế bằng nhau.
Khoản 2 Điều 2 Nghị định 61/2009/NĐ-CP quy định: Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Về nguyên tắc, nội dung vi bằng thể hiện ý chí của cá nhân muốn lập vi bằng, vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ, chứng minh mà không thay thế văn bản bắt buộc. Vi bằng ghi nhận những tuyên bố, cam kết, thỏa thuận, xác nhận sự kiện có thật.
Bà bạn là người yêu cầu lập vi bằng và muốn xác lập việc bà muốn chuyển di sản nhận được từ bố bạn cho mẹ bạn là có thật, nếu ý chí và nguyện vọng của bà bạn thay đổi thì bà hoàn toàn có thể hủy vi bằng đó, nên việc bà bạn có muốn tặng cho di sản nhận được do thừa kế cho người khác hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người sở hữu tài sản là bà bạn. Do đó trường hợp mẹ bạn muốn sang tên toàn bộ mảnh đất trên sẽ phụ thuộc vào ý chí của bà bạn có tặng cho mảnh đất trên cho mẹ bạn hay không, nếu bà thay đổi nguyện vọng thì mẹ bạn chỉ được đứng tên phần diện tích mẹ bạn sở hữu và các phần mà anh chị em bạn tặng cho mẹ bạn.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về giá trị pháp lý của vi bằng. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật