Muốn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải làm thế nào?

Năm 1992, sổ hộ khẩu nhà em có 7 người là: ông, bà, bố, mẹ, hai chị và em, mỗi người đều được chia 1 suất ruộng nông nghiệp, có tất cả là 7 suất và gộp chung trong 1 quyển sổ đỏ mang tên ông em. Sau đó, bố mẹ em mất. Năm 2001, ông em mất, sổ Đỏ vẫn mang tên ông em. Đến năm 2011, Nhà nước có lấy 1 ít đất ruộng, nhà e phải tiến hành chuyển tên quyền sở hữu sang bà em( bà e có 4 con trai đều mất, còn 2 con gái), cả gia đình em gồm tất cả các con cháu đã ra phòng Công chứng số 8 đồng ý ký đồng ý cho bà em đứng tên để lấy tiền đền bù đất. Đến 2012, bà em mất, hiện giờ 2 cô em đòi mang tên quyển sổ Đỏ ruộng đất đó nhưng e và các chị không đồng ý. Vậy cho e hỏi: nếu giờ e muốn đứng tên quyển sổ Đỏ đó có được không( hai chị gái em đều đồng ý) Nếu không được thì 3 chị em em muốn đòi phần ruộng đất mà bố mẹ em và chúng em được chia có được không ạ? Thủ tục như thế nào? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Nếu bạn muốn đứng tên trên sổ đỏ thì bạn phải được sự đồng ý của các chị cũng như hai người cô của bạn, tuy nhiên thì để hai cô em gái đồng ý thì bạn phải thỏa thuận với họ. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của bạn cũng như đảm bảo việc hưởng tài sản về đất cho những người chị em còn lại thì bạn có quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Trường hợp của bạn nếu ông hoặc bà của bạn có để lại di chúc thì có thể chia tài sản thừa kế theo di chúc của ông bà. Nếu Ông bà bạn mất không để lại di chúc thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật. Chia thừa kế theo pháp luật được hiểu là chia thừa kế theo hàng thừa kế. 

Căn cứ quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".

Như vậy, bạn và các chị em cùng hàng thừa kế với nhau sẽ được hưởng số di sản thừa kế bằng nhau. 

Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Để chia thừa kế theo pháp luật, bạn cần thực hiện thủ tục khởi kiện chia tài sản thừa kế theo pháp luật.

+ Đơn khởi kiện (theo mẫu)

+ Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế.

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

+ Bản kê khai các di sản;

+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;

+ Các giấy tờ khác: biên bản giải quyết trong hộ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (nếu có).

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, bạn gửi lên Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh nơi có di sản thừa kế.

Như vậy, khi có quyết định của Tòa án về việc chia di sản thừa kế thì bạn có quyền hưởng phần đât đã được Tòa án chia cho hợp pháp và có quyền xin cấp  sổ đỏ (giấy chứng nhận sử dụng đất).  

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào