Xử phạt hành vi chở quá tải hàng hóa theo quy định mới
Tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe gồm trọng lượng (khối lượng) bản thân xe cộng với trọng lượng (khối lượng) của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có).
Giới hạn xếp hàng hóa theo Điều 15 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT xác định như sau:
Việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ phải theo các quy định về tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe, chiều cao, chiều rộng, chiều dài xếp hàng hóa được phép của xe quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 và Điều 19 của Thông tư này và không vượt quá khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
Như vậy việc chở quá khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở sẽ được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 24 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ thì pháp luật xử phạt hành vi vượt quá khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường từ 10% trở lên, do vậy có thể hiểu nếu vượt dưới 10% thì sẽ chưa đến mức bị xử phạt chứ không phải cho phép chở thêm.
Theo bạn trình bày thì bạn là người điều khiển xe và là chủ phương tiện giao thông nên nếu vượt quá khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở ghi trong giấy chứng nhận thì chủ xe bị xử phạt như sau:
Căn cứ Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ đường sắt.
Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 32.000.000 đồng đến 36.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô khi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 Điều 24 Nghị định này;
Phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 36.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tổ, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 24 Nghị định này.
Như vậy, nếu bạn trực tiếp chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100% đến 150% thì bạn sẽ bị xử phạt từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng.
Nếu bạn trực tiếp chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150% thì bạn sẽ bị xử phạt từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt hành vi chở quá tải hàng hóa theo quy định mới. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 46/2015/TT-BGTVT để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật