Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh bến thủy nội địa?
Thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa được quy định tại Điều 11 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT, theo đó trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa tiến hành như sau :
Chủ bến thủy nội địa gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa theo Mẫu số 6 và Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 7 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
-Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng được duyệt; hồ sơ hoàn công;
-Biên bản nghiệm thu công trình;
-Sơ đồ vùng nước trước bến và luồng vào bến (nếu có) do chủ bến lập;
-Bản sao giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phao nổi (nếu sử dụng phao nổi làm cầu bến);
-Văn bản của cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho sử dụng tạm thời đối với trường hợp bến nằm trong hành lang bảo vệ các công trình theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Tiếp theo, cơ quan có thẩm quyền là Sở Giao thông vận tải tiến hành tiếp nhận, kiểm tra và xử lý hồ sơ như sau:
-Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn chủ bến hoàn thiện hồ sơ.
-Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời gian 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Giao thông vận tải có văn bản yêu cầu chủ bến bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
-Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa gửi chủ bến theo Mẫu số 8, giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 9 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Thời hạn hiệu lực của giấy phép hoạt động bến thủy nội địa
Thời hạn hiệu lực của giấy phép hoạt động bến thủy nội địa bằng thời hạn sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp cho chủ bến hoặc theo đề nghị của chủ bến.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu mở bến hoạt động tạm thời để bốc xếp vật tư, thiết bị, vật liệu phục vụ xây dựng công trình, nhà máy, khu công nghiệp thì thời hạn hiệu lực của giấy phép hoạt động của bến bằng thời gian thực hiện xây dựng công trình, nhà máy, khu công nghiệp.
Đối với bến khách ngang sông, trường hợp bến ở hai bên bờ đều do một chủ khai thác và thuộc thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động của một cơ quan thì chủ khai thác bến khách ngang sông làm đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động bến khách ngang sông theo Mẫu số 7 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT, Cơ quan có thẩm quyền cấp một giấy phép hoạt động bến khách ngang sông cho cả hai đầu bến theo Mẫu số 9 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp chủ bến cần có vùng nước neo đậu phương tiện để đón, trả hành khách, bốc xếp hàng hóa ngoài vùng nước của bến thủy nội địa, phải ghi rõ diện tích vùng nước trong đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Vùng nước neo, đậu phương tiện không được bố trí trong luồng và trong phạm vi bảo vệ các công trình.
Như vậy trong trường hợp này, anh có thể tham khảo quy định tại Điều 11 Thông tư 50/2014/TT-BGTVT để tiến hành xin cấp giấy phép kinh doanh bến thủy nội địa.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh bến thủy nội địa. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 50/2014/TT-BGTVT để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật