Viên chức xin ra khỏi biên chế có được hưởng trợ cấp gì không?
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 29 Luật viên chức 2010 quy định viên chức chấm dứt hợp đồng làm việc trong các trường hợp sau:
4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này.
Trong trường hợp này, bạn là giáo viên làm trong biên chế cho nên bạn phải thông báo cho cơ quan bạn trước 45 ngày trước khi chấm dứt hợp đồng làm việc.
Chế độ trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng làm việc bao gồm:
Chế độ thôi việc khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đúng pháp luật:
Căn cứ Điều 39 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định như sau:
- Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:
- Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
- Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng;
- Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.
- Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.
- Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.
Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Chế độ trợ cấp thất nghiếp và chế độ bảo hiểm theo quy định pháp luật bảo hiểm do cơ quan bảo hiểm chi trả.
Tuy nhiên, để được đảm bảo chế độ trợ cấp nêu trên bạn phải đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đúng pháp luật. Nếu sau 30 ngày cơ quan bạn không đồng ý cho bạn nghỉ thì bạn cần làm việc sau 45 ngày kể từ thời điểm thông báo thì mới có quyền chấm dứt hợp đồng làm việc.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hưởng trợ cấp khi viên chức xin ra khỏi biên chế. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật viên chức 2010 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật