Đang hưởng án treo bị bắt quả tang phạm tội tiếp có sao không?
Căn cứ Điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự như sau:
Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:
1. Tố giác của công dân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;
3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;
5. Người phạm tội tự thú.
Mặt khác theo Điều 8 Bộ luật hình sự 1999 thì:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Để xem xét có dấu hiệu tội phạm hay không phải căn cứ vào các yếu tố: tính trái pháp luật hình sự, tính nguy hểm xã hội, tính phải chịu hình phạt và tính có lỗi. Như thế, tùy vào từng tội phạm cụ thể, cơ quan công an phải xem xét, xác định xem có một trong các dấu hiệu tội phạm hay không. Nếu có thì có thể khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên trường hợp của bạn nếu như bạn xác định cơ quan công an không có bất cứ bằng chứng, chứng cứ nào thì không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can được.
Qua lời bạn nói thì có thể xác định được hành vi của bạn bị bắt quả tang. Và bạn đang trong thời gian thử thách. Cho nên có thể tạm giữ đối với bạn để thực hiện lấy lời khai với hành vi của bạn theo Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự 2003:
Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
Còn đối với việc chứng minh bạn có tội hay không trong lần thứ hai này thì trách nhiệm thuộc về Cơ quan Nhà nước, cụ thể là cơ quan Công an. Bạn hợp tác lấy lời khai và giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Nếu chứng minh được bạn có tội thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu không chứng minh được thì bạn sẽ tiếp tục thực hiện thời gian thử thách theo đúng quyết định của bản án trước.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý khi bị bắt quả tang trong lúc đang hưởng án treo. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng hình sự 2003 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật