Quy định về rút hồ sơ Đảng
Thủ tục làm hồ sơ vào Đảng được thực hiện qua các bước sau:
1. Người vào Đảng phải làm đơn xin vào Đảng.
2. Người vào Đảng phải khai trung thực lý lịch của mình và lý lịch đó phải được đảng uỷ cơ sở thẩm tra kỹ.
3. Đảng viên chính thức giới thiệu người vào Đảng.
4. Nghị quyết của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở cơ sở giới thiệu đoàn viên thanh niên vào Đảng.
5. Ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể đối với người xin vào Đảng.
6. Nghị quyết của chi bộ xét, đề nghị kết nạp đảng viên của chi bộ.
7. Nghị quyết của cấp uỷ cơ sở đảng đề nghị kết nạp đảng viên.
8. Quyết định của cấp uỷ có thẩm quyền chuẩn y kết nạp đảng viên.
Theo Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2016, lý lịch của người vào Đảng gồm:
a) Người vào Đảng tự khai lý lịch đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, chịu trách nhiệm về nội dung đã khai; nếu có vấn đề nào không hiểu và không nhớ chính xác thì phải báo cáo với chi bộ.
b) Lý lịch phải được cấp uỷ cơ sở thẩm tra, kết luận trước khi ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu.
Sau khi quần chúng làm đơn xin vào Đảng, chi bộ giới thiệu đề nghị Đảng viên báo cáo lên Đảng ủy để xem xét và cấp cuốn lý lịch cho quần chúng xin vào Đảng. Lý lịch của bạn đã được xác minh, tức là đã có chứng nhận và con dấu của địa phương. Khi rút hồ sơ xin vào Đảng, bạn chỉ được rút các giấy tờ khác trừ lý lịch đã xác minh. Cuốn lý lịch Đảng viên do Đảng ủy cấp, được lưu hành nội bộ, hơn nữa đã xác minh lý lịch của bạn, cho nên phải nộp lại khi bạn rút hồ sơ xin vào Đảng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về rút hồ sơ Đảng. Bạn nên tham khảo chi tiết Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2016 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật