Mất tài sản khi gửi bảo hành xử lý thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 412 Bộ Luật dân sự 2005 thì:
Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
1. Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;
2. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;
3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác".
Như vậy, trường hợp này, bên công ty bảo hành đã không thực hiện đúng như hợp đồng đã thỏa thuận và đã tự ý cho người lấy máy của bạn về để dùng tạm và còn cho mượn 1 cái main giá trị nhỏ hơn main mà em gửi bảo hành để gắn vào dùng tạm mà không có sự đồng ý của bạn, do đó, căn cứ quy định tại Điều 447 Bộ luật dân sự năm 2005:
1. Bên bán phải sửa chữa vật và bảo đảm vật có đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc có đủ các đặc tính đã cam kết.
2. Bên bán chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển vật đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua.
3. Bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn do các bên thoả thuận hoặc trong một thời gian hợp lý; nếu bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn đó thì bên mua có quyền yêu cầu giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.
Như vậy, khi bên công ty trả máy cho bạn thì phải đảm bảo máy có đủ các tiêu chuẩn chất lượng như ban đầu, bạn có quyền yêu cầu bên công ty hoành thành việc sửa chữa trong thời hạn thỏa thuận và bồi thường thiệt hại khi tự ý giao tài sản cho người khác mà không có sự đồng ý của bạn.
Nếu như công ty không trả hoặc trả không đúng chất lượng, đối tượng ban đầu bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án dân sự theo quy định tại Điều 255 Bộ luật dân sự 2005:
Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật".
Trường hợp của bạn, người đang sử dụng tài sản có thể bị khởi kiện theo quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1999
1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý trường hợp mất tài sản khi gửi bảo hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ Luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật