Di chúc như thế nào sẽ đúng pháp luật nhưng trái đạo đức xã hội?
Vợ chồng ông A và bà B kết hôn với nhau, có hai người con chung là C, D. Ông A qua đời, có để lại di chúc cho bà B được hưởng một nửa di sản với điều kiện bà phải đoạn tuyệt và từ mặt anh C, không được coi anh là con nữa còn một nửa để lại cho D. Nhưng xin lưu ý với bạn rằng, trong ví dụ trên thì một phần di chúc sẽ bị vô hiệu.
Căn cứ quy định vào Khoản 1 Điều 652 Bộ luật dân sự 2005:
“1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. »
Như vậy, một phần di chúc của ông A vô hiệu vì yêu cầu người thừa kế phải thực hiện một việc trái với pháp luật và đạo đức xã hội là bà B phải hoàn toàn đoạn tuyệt, từ mặt anh C không được coi anh là con nữa. Do vậy, phần di chúc đối với bà B bị bô hiệu, bà sẽ không phải thực hiện theo yêu cầu của ông A.
Về việc hưởng di sản thừa kế của anh C, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Mặc dù ông A không yêu quý anh C, do vậy đã yêu cầu bà B phải đoạn tuyệt với anh thì mới được hưởng một nửa di sản của ông. Nhưng ông A không truất quyền thừa kế của anh C, do vậy anh C vẫn được hưởng di sản của ông A theo quy định của pháp luật. Xét về mặt tâm lý thì ông A không yêu mến anh C nhưng không có một chứng cứ nào thể hiện ý chí của ông A truất quyền thừa kế của anh C. Vậy anh C vẫn được hưởng di sản của ông A như những người con khác.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về di chúc đúng pháp luật nhưng trái đạo đức xã hội. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật