Về hạn mức đất ở trên địa bàn TP Hà Nội
Kính gửi: Cổng GTĐT Hà Nội. Luật Đất đai 2013 có nêu: Hạn mức đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân do UBND cấp tỉnh quy định. Tại Nghị định 43/2014 có nội dung: “Trường hợp một hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhiều thửa đất có nhà ở có nguồn gốc của ông cha để lại hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất có nguồn gốc của ông cha để lại, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 và không vi phạm pháp luật đất đai thì hạn mức đất ở được xác định theo quy định đối với từng thửa đất đó”. Xin hỏi: Hạn mức đất ở đối với từng thửa đất được xác định như thế nào? Đề nghị quý cơ quan cho ví dụ về cách xác định hạn mức đất ở đối với trường hợp này. Trường hợp nào thì hạn mức công nhận đất ở của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội được xác định theo Khoản 3 Điều 20 Nghị định 43/2014 và trường hợp nào thì được xác định theo Khoản 3 Điều 4 bản quy định ban hành kèm theo Quyết định 22/2014 của UBND thành phố Hà Nội. Đề nghị quý cơ quan giải đáp. Trân trọng!
Người hỏi: Văn Thuấn ( 13:02 22/09/2015)
Về hạn mức đất ở đối với từng thửa đất theo Khoản 3, Điều 20, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, mời bạn xem Tại đây (link đến câu trả lời tương tự)
Theo Khoản 3, Điều 4, bản quy định ban hành kèm theo Quyết định 22/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội đã quy định hạn mức công nhận đất ở của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố đối với trường hợp:
Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 01/7/2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở (hoặc thổ cư) thì diện tích đất ở được xác định như sau:
a) Các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên: 120 m2;
b) Các quận Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm: 180 m2;
c) Thị xã Sơn Tây: các phường 180 m2; các xã 300 m2;
d) Các xã giáp ranh các quận và các thị trấn: 200 m2;
đ) Các xã vùng đồng bằng: 300 m2;
e) Các xã vùng trung du: 400 m2;
f) Các xã vùng miền núi: 500 m2;
Trường hợp hộ gia đình đang sử dụng thửa đất có 05 nhân khẩu trở lên hoặc trường hợp thửa đất có nhiều hộ gia đình cùng sử dụng chung thì hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 3 Điều này được cộng thêm theo nguyên tắc sau: Từ nhân khẩu thứ 05 trở lên, mỗi nhân khẩu được cộng thêm bằng 0,2 lần hạn mức quy định tại khoản 3 Điều này, nhưng tổng diện tích đất được công nhận đất ở không vượt quá diện tích thửa đất của hộ gia đình đang sử dụng; phần diện tích đất còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.
Số nhân khẩu để xác định hạn mức công nhận đất ở theo nguyên tắc quy định tại khoản này là tổng số nhân khẩu của các hộ cùng sử dụng chung thửa đất; số nhân khẩu trong mỗi hộ chỉ được tính cho những người có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột đang ở trên thửa đất tại thời điểm nộp đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp Giấy chứng nhận.
Thư Viện Pháp Luật