Phương thức và căn cứ quản lý, giám sát đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty được quy định như thế nào?
Phương thức và căn cứ quản lý, giám sát đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty được quy định tại Điều 38 Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước như sau:
1. Việc giám sát đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty được thực hiện theo các phương thức sau:
a) Phương thức trực tiếp:
- Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát và đánh giá của các cơ quan quy định tại Khoản 3 Điều 37 Nghị định này.
- Thông qua đánh giá của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với kết quả hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty và chức danh do các cơ quan này bổ nhiệm, ký hợp đồng.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá hoạt động doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các chuyên gia thuộc các cơ quan nhà nước, viện, trường đại học có kiến thức sâu rộng vềngành, lĩnh vực hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty để tư vấn đánh giá trước khi ra quyết định nhằm bảo đảm tính khách quan trong đánh giá các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các chức danh thuộc diện quản lý. Cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định quy chế làm việc của Hội đồng Tư vấn đánh giá hoạt động doanh nghiệp nhà nước.
- Thông qua thực hiện kiểm toán tại công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết.
- Thông qua việc cơ quan đại diện chủ sở hữu yêu cầu Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền báo cáo trực tiếp.
b) Phương thức gián tiếp:
- Thông qua chế độ báo cáo của Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ.
- Thông qua thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất của công ty mẹ.
2. Căn cứ giám sát đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty:
a) Các quy định của chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan;
b) Điều lệ tổ chức và hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ;
c) Kế hoạch và kết quả sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển; hệ thống các chỉ tiêu đánh giá, xếp hạng hằng năm đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty; hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hoạt động của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng của công ty mẹ theo quy định của Chính phủ;
d) Báo cáo tài chính năm của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã được kiểm toán và được Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị thông qua; báo cáo tài chính quý, báo cáo nghiệp vụ định kỳ và các báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của chủ sở hữu;
đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng;
e) Các thông tin, tài liệu có liên quan khác theo quy định của pháp luật.
3. Kết quả giám sát, đánh giá là cơ sở để quyết định mức lương, thưởng, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, ký tiếp hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc,Kế toán trưởng công ty mẹ.
Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng công ty mẹ có hành vi vi phạm hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của công ty mẹ hoặc toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty, chủ sở hữu, thành viên, cổ đông, chủ nợ của doanh nghiệp hoặc người khác thì tùy theo mức độ và tính chất mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quy định về Phương thức và căn cứ quản lý, giám sát đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 69/2014/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật