Quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam
Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 quy định :
1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Như vậy, trước tiên nếu bạn muốn thành lập công ty cổ phần bạn phải không thuộc các đối tượng không được thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014.Theo thông tin mà bạn cung cấp bạn hiện đang công tác tại doanh nghiệp nhà nước nhưng lại không nói rõ là hiện đang công tác tại vị trí nào , nếu trong trường hợp bạn là cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, mà không phải những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác thì bạn thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014. Do vậy bạn sẽ không thể thành lập công ty cổ phần trong trường hợp này.
Còn nếu trong trường hợp bạn đang công tác trong doanh nghiệp nhà nước nhưng không phải là cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, hoặc là cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhưng là những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lí phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác thì hoàn toàn có thể thành lập doanh nghiệp, cụ thể là thành lập công ty cổ phần theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014.Nếu bạn muốn trở thành giám đốc hoặc chủ tịch hội đồng quản trị của công ty thì tùy thuộc vào từng chức danh mà sẽ phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể, ví dụ :
+ Đối với chủ tịch hội đồng quản trị thì sẽ do hội đồng quản trị tiến hành bầu ra một trong số các thành viên của hội đồng quản trị để làm chủ tịch hội đồng quản trị.Chủ tịch hội đồng quản trị có thể kiêm giám đốc, hoặc tổng giám đốc của công ty trừ trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 152 Luật doanh nghiệp 2014 và điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
+ Đối với giám đốc, tổng giám đốc thì :
Hội đồng quản trị sẽ tiến hành bổ nhiệm một người trong số các thành viên hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.
Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Tiêu chuẩn và điều kiện của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc áp dụng theo quy định tại Điều 65 Luật doanh nghiệp 2014.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật doanh nghiệp 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật