Đòi lại nhà ủy quyền cho người khác quản lý khi xuất cảnh

Trước khi xuất cảnh (tháng 6/1990), vợ chồng tôi lập hợp đồng ủy quyền cho người anh họ quản lý ngôi nhà của mình. Nay, chúng tôi yêu cầu trả lại nhà nhưng người quản lý nhà không chịu giao trả nhà. Xin hỏi chúng tôi có đòi lại nhà được không? Thủ tục gồm những gì?
Ủy quyền cho người khác quản lý, trông nom nhà khi xuất cảnh là việc làm khá phổ biến, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Việc đòi lại nhà ủy quyền trước đây chưa được pháp luật quy định cụ thể, chỉ đến khi Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia được ban hành thì việc chủ nhà đòi lại nhà trong trường hợp này mới được quy định rõ.

Theo quy định tại Điều 23 Nghị quyết nói trên, trước khi xuất cảnh, chủ sở hữu nhà ở đã ủy quyền cho người khác thường trú tại Việt Nam quản lý, thì bên ủy quyền được lấy lại nhà nhưng phải phân biệt:

- Nếu thời hạn ủy quyền đã hết trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực (1/9/2006) thì bên ủy quyền được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất 6 tháng.

- Nếu thời hạn ủy quyền vẫn còn thì chủ sở hữu được lấy lại nhà ở, kể từ ngày hết thời hạn ủy quyền nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất 6 tháng.

- Nếu thời hạn ủy quyền không xác định thì bên ủy quyền được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất 12 tháng.

Khi trả lại nhà, người nhận ủy quyền đang quản lý, sử dụng nhà ở - nếu không thuộc trường hợp được công nhận là chủ sở hữu nhà ở đó - có quyền yêu cầu chủ sở hữu nhà ở đó phải đền bù một khoản chi phí hợp lý do đã trông nom, bảo quản nhà ở.

Đến thời hạn đã thông báo, bên đang quản lý nhà vẫn không chịu giao trả nhà thì bạn có quyền khởi kiện ra trước tòa án đề đề nghị xử buộc họ phải giao trả nhà cho bạn.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào