Cách tính lãi vay vốn cho học sinh/sinh viên được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 5 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg:
1. Điều chỉnh mức cho vay quy định tại khoản 1, Điều 5, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên như sau: Mức cho vay tối đa là 1.000.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên
2. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức cho vay cụ thể đối với học sinh, sinh viên căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng nhưng không vượt quá mức cho vay quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Khi chính sách học phí của Nhà nước có thay đổi và giá cả sinh hoạt có biến động, Ngân hàng Chính sách xã hội thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức vốn cho vay.
- Về mức lãi suất cho vay tính như sau:
+ Các khoản giải ngân cho vay từ 1/10/2007 đến 31/7/2011 áp dụng lãi suất cho vay 0,5%/tháng.
+ Riêng các món vay giải ngân được hỗ trợ lãi suất từ ngày 1/5/2009 đến ngày 31/12/2009 trong thời gian 24 tháng kể từ ngày phát tiền vay của số tiền vay đó chỉ phải trả lãi suất 0,17%/ tháng.
+ Các khoản giải ngân cho vay từ 1/8/2011 trở đi sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay 0,65%/tháng.
+ Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.
+ Ưu đãi lãi suất trong trường hợp trả nợ trước hạn: Trường hợp đối tượng vay vốn trả nợ trước hạn đã cam kết trong hợp đồng tín dụng lãi suất phải trả sẽ được giảm lãi vay. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định cụ thể mức ưu đãi lãi suất trong trường hợp trả nợ trước hạn.
- Về việc trả nợ vay:
+ Khi giải ngân số tiền cho vay của kỳ học cuối cùng, NHCSXH nơi cho vay cùng người vay thoả thuận việc định kỳ hạn trả nợ của toàn bộ số tiền cho vay. Người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khoá học.
+ Số tiền cho vay được phân kỳ trả nợ tối đa 6 tháng 1 lần, phù hợp với khả năng trả nợ của người vay do ngân hàng và người vay thoả thuận.
+ Thời hạn trả nợ là khoảng thời gian được tính từ ngày người vay trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc và lãi. Đối với các chương trình đào tạo trên một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.
Mời bạn tham khảo về việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn trả nợ và chuyển nợ quá hạn như sau:
+ Đến kỳ trả nợ cuối cùng, người vay có khó khăn chưa trả được nợ, phải có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ cho đối tượng vay vốn; thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.
+ Trường hợp đối tượng được vay vốn không trả nợ đúng hạn theo kỳ hạn trả nợ cuối cùng và không được phép gia hạn nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển thành nợ quá hạn. Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội có biện pháp thu hồi nợ.
+ Ngân hàng Chính sách xã hội quy định cụ thể việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn trả nợ và chuyển nợ quá hạn.
Như vậy, mức lãi suất và thời hạn cụ thể mà bạn phải trả căn cứ vào thời gian bạn nhận được tiền vay, số tiền vay nhận được, thỏa thuận của người vay với Ngân hàng chính sách xã hội.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về cách tính lãi vay vốn cho học sinh/sinh viên. Bạn nên tham khảo chi tiết Quyết định 157/2007/QĐ-TTg để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật