Trả góp ti vi đúng hạn có phải trả nộp phạt?
Theo quy định tại Điều 4 Bộ luật dân sự 2005:
Quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.
Cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.
Do vậy, để tôn trọng nguyên tắc tự do cam kết và thỏa thuận của hai bên, pháp luật không quy định cụ thể về vấn đề tiền phạt trả chậm trả mua hàng trả góp. Do đó, tiền phạt sẽ do các bên tự thỏa thuận, thông thường là các điều khoản có sẵm trong hợp đồng mua hàng hóa trả góp. Về mặt lãi suất, bạn căn cứ vào lãi suất cơ bản của ngân hàng ở thời điểm hiện tại, lãi suất tính cho khoản tiền phạt do chậm nộp không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản ngân hàng. Để biết chính xác bố bạn có nộp đúng hạn tiền trả góp hay không, bạn căn cứ vào hợp đồng trả góp và hóa đơn thanh toán tiền tại tháng nộp tiền đó. Điều 305 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
1. Khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ; nếu quá thời hạn này mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại; nếu việc thực hiện nghĩa vụ không còn cần thiết đối với bên có quyền thì bên này có quyền từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc trả góp mua ti vi. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật