Ông bà nội ngoại tranh chấp quyền nuôi cháu

Con gái tôi chung sống với một thanh niên và sinh một cháu trai. Gia đình bên nội không công nhận con dâu và cháu nội nên gần 10 năm nay, bé sống với ông bà ngoại. Gần đây, cha mẹ cháu cùng qua đời, bên nội cho người sang bắt cháu về nuôi. Vấn đề này giải quyết thế nào?
Theo quy định tại các Điều 58, Điều 60, Điều 61, Điều 63 và Điều 64 Bộ luật Dân sự 2005, cháu bé không còn cha, mẹ nên được hưởng chế độ giám hộ. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ có thể là anh ruột, chị ruột. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ.

Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định: Trong trường hợp cháu cần được giám hộ mà ông bà nội, ông bà ngoại có đủ điều kiện làm người giám hộ thì những người này thoả thuận cử một bên làm người giám hộ. Tuy nhiên, cả Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và Gia đình không quy định về việc giải quyết tranh chấp (nếu có) giữa những giám hộ đương nhiên. UBND xã, phường nơi người được giám hộ cư trú chỉ có thẩm quyền cử người giám hộ trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên chứ không được giao nhiệm vụ giải quyết tranh chấp này.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Bộ luật tố tụng Dân sự, tranh chấp giữa những người giám hộ đương nhiên là một dạng tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định nên toà án quận, huyện sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này. Khi xét xử, toà án sẽ xem xét các tình tiết có liên quan đến vụ việc, căn cứ vào điều kiện của người giám hộ, vào tình cảm giữa người giám hộ và người được giám hộ... để quyết định ai sẽ là người giám hộ đương nhiên của cháu bé. Bạn có thể làm đơn gửi đến toà án quận, huyện nơi bên nội của cháu bé cư trú để đề nghị toà án giải quyết.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào