Chế độ lương dành cho người lao động làm công việc năng nhọc nguy hiểm
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP về việc xây dựng thang bảng lương thì mức lương và khoản trợ cấp thêm cho người lao động làm công việc nặng nhọc độc hại:
Mức lương thấp nhất (khởi điểm) của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh, trong đó:
a) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
b) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
c) Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Như vậy, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức lương phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Liên quan đến ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ghi nhận tại Thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXH, Thông tư quy định về ban hành bổ sung ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã ghi nhận công việc quản lý và vận hành trạm biến áp từ 110KV đến dưới 500 KV xác định là công việc nặng nhọc, lưu động, tiếp xúc với điện từ trường cao với điều kiện lao động loại VI. Như vậy, có thể xác định công việc bạn đang làm là công việc nặng nhọc , độc hại, nguy hiểm.
Liên quan đến mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP, được xác định :
+ Mức 3.500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
+ Mức 3.100.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
+ Mức 2.700.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
+ Mức 2.400.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Từ những quy định đó bạn có thể tính được lương của mình.
Mặt khác, trong trường hợp bạn có làm thêm giờ thì tại Điều 97 Bộ luật lao động 2012 liên quan đến tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Căn cứ vào những quy định trên bạn có thể xác định được lương cũng như trợ cấp bạn có thể được hưởng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về chế độ lương dành cho người lao động làm công việc năng nhọc nguy hiểm. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 49/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật