Vận chuyển trái phép chất ma túy mà không biết có bị ở tù không?

Vận chuyển trái phép chất ma túy mà không biết có bị ở tù không? Tôi muốn hỏi trường hợp cháu tôi năm nay 21 tuổi cùng với bạn trai ngủ tại khách sạn và bạn trai đó có mua bán viên hồng phiến, Nhưng cháu tôi không biết đó là gì, tưởng là thuốc uống chữa bệnh gì, chưa thấy bao giờ đã cùng tham gia đếm số viên hồng phiến sau đó chia ra làm từng túi. Rồi bạn trai đó đã nhờ cháu tôi lấy thuốc xuống tầng dưới đưa cho họ ở tầng dưới cháu tôi vừa xuống cầu thang tầng dưới thì bị công an ập đến bắt và đưa lên phòng cùng với 40 viên hồng phiến đó còn bạn trai thì nhận hết trách nhiệm về mình. Lúc đó cháu tôi mới biết đó là thuốc cấm. Như vậy cháu tôi bị phạt bao nhiêu năm tù giam? Mua bán 40 viên hồng phiến sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù giam? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống ma túy năm 2000 quy định: "Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành."

Theo danh mục các chất gây nghiện ban hành kèm theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP thì hồng phiến (có tên khoa học là Methamphetamine) là chất ma túy.

Điều 194 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy như sau:

1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy  năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em;

g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam;

h) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam;

i) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi lăm kilôgam;

k) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới hai trăm kilôgam;

l) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới năm mươi kilôgam;

m) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ  hai mươi gam đến dưới một trăm gam;

n) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít;

o) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản 2 Điều này;

p) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ một kilôgam đến dưới năm kilôgam;

b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba mươi gam đến dưới một trăm gam;

c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ hai mươi lăm kilôgam đến dưới bảy mươi lăm kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ hai trăm kilôgam đến dưới sáu trăm kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới một trăm năm mươi kilôgam;

e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ  một trăm gam đến dưới ba trăm gam;

g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai trăm  năm mươi mililít đến dưới  bảy trăm năm mươi mililít;

h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 3 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm kilôgam trở lên;

b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam trở lên;

c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ bảy mươi lăm kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một trăm năm mươi kilôgam trở lên;

e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ  ba trăm gam trở lên;

g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít trở lên;

h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo như bạn trình bày, khi vận chuyển hồng phiến, cháu bạn không biết đây là một loại chất ma túy, chỉ nghĩ là một loại thuốc uống chữa bệnh, nên cháu bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội phạm về ma túy

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào