Dùng tiền làm cây tài lộc có vi phạm pháp luật không?
Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn việc làm tiền giả; tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; và phá hoại tiền Việt Nam. Trong đó, quy định về những hành vi bị nghiêm cấm:
1. Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.
2. Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
3. Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
4. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam."
Khoản 3 Điều 31 Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi phá hoại, huỷ hoại tiền:
"3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật."
Theo đó, việc huỷ hoại, phá hoại đồng tiền Việt Nam là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và đã có chế tài xử phạt. Xét trường hợp của anh/chị, anh chị sử dụng đồng tiền Việt Nam để làm nguyên liệu để tạo ra cây cảnh, nếu việc sử dụng đó không làm hư hỏng, biến dạng đồng tiền dẫn đến không sử dụng được thì không thể quy về hành vi huỷ hoại đồng tiền.
Từ quy định trên, khi sử dụng tiền để làm cây tiền tài lộc anh chị lưu ý hơn trong cách chế tạo, không dùng những hình thức như cắt, đốt, ... làm hư hỏng, mất đi giá trị sử dụng của đồng tiền, tránh gây tổn thất cho nhà nước cũng như tránh được việc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt hành vi dùng tiền làm cây tài lộc. Bạn nên tham khảo chi tiết Quyết định 130/2003/QĐ-TTg để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật