Đóng gói ma túy để bán có bị xử phạt gì không?
Với những thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi hiểu sự việc như sau: bố bạn bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi chia lượng ma túy đá thành các liều nhỏ để tiện cho việc sử dụng và giá trị số ma túy đá bị cơ quan chức năng phát hiện trong vụ việc là 2,8 triệu đồng. Có thể thấy, hành vi của bố bạn trong trường hợp này có nhiều dấu hiệu của hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự 1999:
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam;
h) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam;
i) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi lăm kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới hai trăm kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới năm mươi kilôgam;
m) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam;
n) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít;
o) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản 2 Điều này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ một kilôgam đến dưới năm kilôgam;
b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba mươi gam đến dưới một trăm gam;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ hai mươi lăm kilôgam đến dưới bảy mươi lăm kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ hai trăm kilôgam đến dưới sáu trăm kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới một trăm năm mươi kilôgam;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai trăm năm mươi mililít đến dưới bảy trăm năm mươi mililít;
h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 3 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm kilôgam trở lên;
b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam trở lên;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ bảy mươi lăm kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một trăm năm mươi kilôgam trở lên;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam trở lên;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít trở lên;
h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Để xác định chính xác hình thức xử lý với bố bạn trong trường hợp này cần căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau.
Thứ nhất, căn cứ để xác định trách nhiệm của những người có hành vi liên quan đến ma túy thường được tính theo khối lượng ma túy (bằng gam) trong vụ việc chứ không xác định dựa trên giá trị trên thị trường của số ma túy đó. Bởi vậy, bạn cần phải biết chính xác lượng ma túy được phát hiện trong vụ việc của bố bạn có trọng lượng bao nhiêu gam thì mới có thể xác định được chính xác hình thức xử lý.
Cụ thể, Điều 3.6 Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng các quy định chương 18- các tội phạm về ma túy quy định:
“Người nào tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy với số lượng sau đây không nhằm mục đích mua bán hay sản xuất trái phép chất ma túy khác thì áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS, theo đó không truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bị xử lý hành chính:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng dưới một gam;
b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng dưới không phẩy một gam;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng dưới một kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng dưới năm kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng dưới một kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có trọng lượng dưới một gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng từ mười mililít trở xuống.”
Chất ma túy đá được xếp vào nhóm “các chất ma túy khác ở thể rắn” tại điểm e điều 3.6 nêu trên. Do đó, nếu trong vụ việc của bố bạn, tổng khối lượng ma túy đá được xác định là dưới 01 gam thì bố bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này mà chỉ bị xử phạt hành chính. Mức phạt được quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép;
b) Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;
c) Sản xuất, mua, bán những dụng cụ sử dụng chất ma túy trái quy định của pháp luật.
Thứ hai, Điều 3.1 Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng các quy định chương 18- các tội phạm về ma túy quy định hành vi “tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự 1999 là “cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất dấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này.”
Như vậy, mục đích chính là yếu tố quan trọng trong việc xác định hình phạt với bố bạn nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
+ Nếu bố bạn chỉ tàng trữ một cách đơn thuần, nghĩa là chỉ cất giấu trong nhà hoặc bất kỳ một nơi nào chỉ nhằm mục đích sử dụng cá nhân mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy thì bố bạn sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”
+ Nếu bố bạn tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm vận chuyển, nhằm mua bán hoặc nhằm sản xuất trái phép chất ma túy thì bố bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các hành vi tương ứng là vận chuyển, mua bán và sản xuất trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự 1999.
Bởi vậy, như đã phân tích ở trên, hình phạt cụ thể đối với bố bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bạn cần căn cứ vào mục đích tàng trữ là khối lượng ma túy đá được tàng trữ trong tình huống này để đối chiếu với các điều khoản tại Điều 194 Bộ luật hình sự 1999 nêu trên.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt hành vi đóng gói ma túy đá. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật