Người bị đâm trong vụ đánh nhau có bị tạm giam không?

Người bị đâm trong vụ đánh nhau có bị tạm giam không? Chồng em có liên quan tới đánh nhau nhưng chồng em bị đâm vậy tại sao chồng em còn bị công an trại giam bắt giữ làm cách nào để chồng em được ra. Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Căn cứ Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về tạm giữ như sau:

1. Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

2. Những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này, Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển có quyền ra quyết định tạm giữ.

Người thi hành quyết định tạm giữ phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.

Như vậy, trong trường hợp chồng bạn có hành vi đánh nhau thuộc trường hợp bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang thì sẽ bị tạm giữ theo quy định tại Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nêu trên.  

Biện pháp ngăn chặn là những biện pháp cưỡng chế do pháp luật tố tụng hình sự quy định và được áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố hình sự nhằm kịp thời ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, hoặc có những hành động gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Tạm giữ là một trong các biện pháp ngăn chặn do luật tố tụng hình sự quy định.

Như vậy, việc tạm giữ là nhằm mục đích ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc đảm bảo cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đúng đắn. Mặt khác, pháp luật không quy định rằng người bị thương trong vụ việc đánh nhau thì không bị truy cứu trách nhiệm hinh sự. Do đó, mặc dù trong vụ việc đánh nhau chồng bạn bị thương nhưng không bị loại trừ trách nhiệm hình sự, việc cơ quan công an có thẩm quyền tạm giữ chồng bạn là đúng quy định của pháp luật. 

Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về thời hạn tạm giữ như sau:

1. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.

2. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

Thời hạn tạm giữ được quy định tại Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 nêu trên. Việc tạm giữ nhằm mục đích phục vụ quá trình điều tra, nếu chồng bạn không có căn cứ cấu thành tội phạm hình sự thì khi hết thời hạn tạm giữ, cơ quan công an sẽ trả tự do cho chồng bạn.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tạm giam người bị đâm trong vụ đánh nhau. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng hình sự 2003 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào