Ủy quyền nhận di sản thừa kế thế nào?
Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 về người thừa kế theo pháp luật:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Có thể thấy, bạn và mẹ bạn đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên khi bố bạn mất đi thì số di sản bố bạn để lại sẽ được chia cho bạn mà mẹ bạn, tức là bạn và mẹ bạn đều có quyền quyết định đối với phần di sản này nên khi mẹ bạn muốn bán đi căn nhà mà bố bạn để lại thì bắt buộc phải có sự đồng ý của bạn và điều này phải được thể hiện bằng văn bản. Bạn có thể lập một văn bản ủy quyền bán hoặc văn bản từ chối nhận di sản thừa kế để mẹ bạn có thể có toàn quyền thực hiệc việc chuyển nhượng đất đai. Căn cứ quy định tại Điều 78 Luật công chứng 2014 về việc công chứng của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài:
"1. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.
2. Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao được giao thực hiện công chứng phải có bằng cử nhân luật hoặc được bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng.
3. Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao thực hiện công chứng theo thủ tục quy định tại Chương V của Luật này, có quyền quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 2 Điều 17 của Luật này."
Để thực hiện việc công chứng văn bản ủy quyền hoặc từ chối, bạn có thể tới trực tiếp cơ quan đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của Việt Nam ở nước nơi mà bạn đang cư trú. Sau khi công chứng giấy tờ xong bạn có thể tiến hành gửi về nước cho mẹ bạn để tiến hành việc chuyển nhượng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về ủy quyền nhận di sản thừa kế. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật