Quy định về hình thức kỷ luật khiển trách đối với Đảng viên
Tại Điều 35 Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam 2011 quy định:
Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời.
Hình thức kỷ luật :
- Đối với tổ chức đảng : khiển trách, cảnh cáo, giải tán;
- Đối với đảng viên chính thức : khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ;
- Đối với đảng viên dự bị : khiển trách, cảnh cáo.
Về thẩm quyền thi hành kỷ luật Đảng viên vi phạm, Điều 36 Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam 2011 có quy định:
1. Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).
Đảng uỷ cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ, cách chức cấp uỷ viên cấp dưới.
Đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền quyết định kết nạp đảng viên thì có quyền quyết định khai trừ đảng viên, nhưng không phải là cấp uỷ viên cùng cấp và đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý.
2. Cấp uỷ tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên cùng cấp vi phạm nhiệm vụ do cấp uỷ giao.
Ban thường vụ cấp uỷ quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm nhiệm vụ chuyên môn được giao.
3. Ban Chấp hành Trung ương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khiển trách, cảnh cáo Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
4. Uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, nhưng không phải là cấp uỷ viên cùng cấp; quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý và cấp uỷ viên cấp dưới trực tiếp.
5. Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp trên có quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ hình thức kỷ luật do cấp dưới quyết định.
6. Đảng viên giữ nhiều chức vụ bị kỷ luật cách chức thì tuỳ mức độ, tính chất vi phạm mà cách một hay nhiều chức vụ.
Về thủ tục tiến hành kỷ luật Đảng viên bao gồm những quy định chủ yếu sau đây:
1. Đảng viên vi phạm phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét, xử lý kỳ luật.Trường hợp cần thiết, cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét kỳ luật.
2. Tổ chức đảng vi phạm phải kiểm điểm, tự nhận hình thức kỳ luật và báo cáo lên cấp ủy cấp trên quyết định.
3. Trước khi quyết định kỷ luật, đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền nghe đảng viên vi phạm hoặc đại diện tổ chức đảng vi phạm trình bày ý kiến.
4. Quyết định của cấp dưới về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm phải báo cáo lên cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp; nếu đảng viên vi phạm tham gia nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng thì phải báo cáo đến các cơ quan lãnh đạo cấp trên mà đảng viên đó là thành viên.
5. Quyết định của cấp dưới về kỳ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm phải báo cáo lên cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp, nếu đảng viên vi phạm tham gia nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng thì phải báo cáo đến các cơ quan lãnh đạo cấp trên mà đảng viên đó là thành viên.
6. Kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định.
7. Việc biểu quyết kỷ luật phải thực hiện bằng phiếu kín.
8. Đảng viên giữ nhiều chức vụ bị kỷ luật cách chức, thì tùy nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm mà cách một hay nhiều chức vụ.
9. Đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền phải quyết định khai trừ ra khỏi Đảng.
10. Đảng viên bị kỳ luật cách chức, trong vòng một năm, kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không được bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn.
11. Đề nghị của tổ chức đảng cấp dưới về kỷ luật cách chức, khai trừ đảng viên, giải tán tổ chức đảng khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cấp trên quyết định và công bố thì đảng viên đó vẫn được sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng đó vẫn được hoạt động.
Liên quan đến trường hợp của bạn đảng viên cơ quan DNNN bị Ủy ban Kiểm tra huyện ủy quyết định kỷ luật hình thức khiển trách ký quyết định kỷ luật ngày 05/01/2016 nhưng không nêu thời hạn xóa kỷ luật đảng hiện nay điều lệ đảng và các văn bản hướng dẫn có liên quan không quy định cụ thể về vấn đề này. Do vậy trong trường hợp này bạn có thể lên Ủy ban Kiểm tra huyện ủy nơi ra quyết định kỷ luật đối với đảng viên để được giải đáp.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hình thức kỷ luật khiển trách đối với Đảng viên. Bạn nên tham khảo chi tiết Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam 2011 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật