Lấy họ cho con theo họ ông nội có được không?
Căn cứ Điều 14 Luật hộ tịch 2014 quy định nội dung đăng ký khai sinh như sau:
1. Nội dung đăng ký khai sinh gồm:
a) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
b) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
2. Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.
3. Nội dung đăng ký khai sinh quy định tại khoản 1 Điều này là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.
Chính phủ quy định việc cấp số định danh cá nhân cho người được đăng ký khai sinh.
Điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về xác định nội dung đăng ký khai sinh như sau:
Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán
Như vậy, theo quy định trên, việc lấy họ cho con phụ thuộc vào thỏa thuận của vợ chồng bạn, vợ chồng bạn có thể thỏa thuận con mang họ bố, mang họ mẹ hoặc mang họ của ông bà nội. Do đó, trong trường hợp này vợ chồng bạn có quyền lấy họ cho con theo họ của ông nội.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về lấy họ cho con theo họ ông nội. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật hộ tịch 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật