Có được đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam không?

Sangri La là nhãn hiệu nổi tiếng của tập đoàn Sangri La (Singapo) được sử dụng cho một mạng lưới khách sạn sang trọng của tập đoàn này trên toàn thế giới. Tuy nhiên tập đoàn này chưa đầu tư vào Việt Nam,tháng 10/2010 tập đoàn mới nộp đơn đăng kí bảo hộ cho nhãn hiệu Sangri La tại Việt Nam thì được biết công ty du lịch Lạc Việt (Việt Nam) đã nộp đơn đăng kí nhãn hiệu Sangri La cho dịch vụ du lịch ngày 12/5/2010 tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam và sử dụng tên này cho một khách sạn mới của họ tại Phan Thiết. vậy tập đoàn Sangri La có thể bảo hộ nhãn hiệu Sangri La tại việt Nam không? Họ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu được quy định tại Điều 72, 73, 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện đó, nhãn hiệu Sangri La của tập đoàn Sangri La (Singapo) đó có thể được bảo hộ ở Việt Nam.

Theo thông tin bạn cung cấp thì Nhãn hiệu Sangri La là nhãn hiệu nổi tiếng của tập đoàn Sangri La (Singapo). Tại Điều 75 Luật sở hữu trí thuệ 2005 có quy định như sau:

Các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:

1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo.

2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành.

3. Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp.

4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu.

5. Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu.

7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng.

8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu."

Như vậy, nếu nhãn hiệu Sangri La của tập đoàn Sangri La (Singapo) đáp ứng được các tiêu chí trên thì được xác định là nhãn hiệu nổi tiếng. Tại mục 39.11 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN có quy định về Dấu hiệu bị coi trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng dùng cho hàng hoá trùng hoặc tương tự hoặc có liên quan :" (iv) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng và hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu tuy không trùng, không tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đó, nhưng việc sử dụng dấu hiệu làm nhãn hiệu có thể làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng có tồn tại mối quan hệ giữa hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng, có khả năng thực tế làm suy giảm khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc tổn hại đến uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng."  Theo đó, nhãn hiệu Sangri La của công ty du lịch Lạc Việt (Việt Nam) đã có dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa dấu hiệu. Và khi hết thời gian thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu thì nhãn hiệu Sangri La của công ty du lịch Lạc Việt (Việt Nam) sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ theo quy định tại Điều 117 Luật sở hữu trí tuệ 2005.

Để bảo hộ nhãn hiệu  Sangri La của tập đoàn Sangri La (Singapo) tại Việt nam thì bạn nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu lên Cục sở hữu trí tuệ Việt nam. 

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật sở hữu trí tuệ 2005 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Nhãn hiệu nổi tiếng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào