Sang Đức làm việc cần thực hiện thủ tục gì?
Trường hợp của bạn, chị của bạn đang muốn đưa bạn sang Đức để làm việc lâu dài phụ thuộc vào pháp luật nước Đức về việc người nước ngoài được phép cư trú tại Đức. Hiện nay, trên thực tế để ra được nước ngoài định cư thì có hai loại:
- Định cư theo dạng đoàn tụ gia đình: Trường hợp này vợ chồng bảo lãnh nhau, bố mẹ bảo lãnh con cái, con cái bảo lãnh bố mẹ, hoặc anh em bảo lãnh cho nhau. Thông thường trường hợp bảo lãnh vợ chồng, hoặc vợ chồng bảo lãnh con dưới 18 tuổi thủ tục làm khá nhanh để tạo điều kiện cho người định cư ổn định cuộc sống, (con dưới 18 tuổi khi được bảo lãnh thì thông thường được nhập quốc tịch ngay). Nhưng với trường hợp con cái bảo lãnh bố mẹ và bố mẹ bảo lãnh con trên 18 tuổi hồ sơ được duyệt thường rất lâu.
- Định cư theo dạng kỹ năng: Nhiều quốc gia thiếu lao động trong các lĩnh vực nhất định và có nhu cầu cho phép nhập cư những người có kỹ năng trong các nghành nghề mà họ đang thiếu. Đây không phải là dạng cấp visa tạm thời cho người tới lao động (theo hình thức xuất khẩu lao động) mà trường hợp này là định cư dài hạn và được phép nhập quốc tịch sau một thời gian nhất định, được phép cho cả vợ chồng và con cái cùng sang.
Trường hợp của bạn là trường hợp đoàn tụ theo dạng đoàn tụ. Tuy nhiên, pháp luật mỗi quốc gia có sự khác biệt bạn và chị bạn cần tìm hiều các điều kiện, trình tự, thủ tục do pháp luật về cư trú nước Đức quy định để được bảo lãnh sang Đức.
Cụ thể có một số những điều kiện cần bao gồm về: thu nhập, tài chính, nhà ở, và cư trú tại Đức… hay để được nhập cảnh vào nước Đức, phải thực hiện các thủ tục xin thị thực vào Đức... Bạn và gia đình có thể tham khảo thêm các thông tin về điều kiện bảo lãnh tại Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền tại Đức.
Đó là việc nhập cảnh vào Đức, ngoài ra, để được xuất cảnh ra khỏi Việt Nam thì bạn cần thực hiện một số thủ tục được quy định tại Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 65/2012/NĐ-CP). Cụ thể:
Thứ nhất, được cơ quan Việt Nam cấp giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh:
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 3, Nghị định số 136/2007/NĐ-CP thì công dân Việt Nam mang giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam không cần thị thực. Cũng theo Khoản 1, Điều 4, của Nghị định này thì hộ chiếu phổ thông được coi là một trong những giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh được cấp cho mọi công dân Việt Nam để xuất cảnh, nhập cảnh.
Như vậy công dân Việt Nam muốn được xuất cảnh, nhập cảnh thì phải có hộ chiếu phổ thông. Nếu bạn chưa có hộ chiếu phổ thông theo như qui định trên thì bạn cần làm thủ tục xin cấp hộ chiếu được qui định cụ thể tại Điều 15, Nghị định số 136/2007/NĐ-CP:
Bạn cần làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi bạn thường trú hoặc đang tạm trú.
Hồ sơ gồm:
- Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu;
- Chứng minh nhân dân: Xuất trình nếu nộp trực tiếp hoặc ảnh chụp chứng minh nhân dân nếu nộp gián tiếp qua đường bưu điện.
Lưu ý trong trường hợp cấp thiết cần hộ chiếu gấp (do Bộ Công an qui định) người đề nghị có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Cục quản lý xuất, nhập cảnh - Bộ Công an.
Cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh sẽ trả kết quả cho bạn trong thời hạn không quá 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục sang Đức làm việc. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 136/2007/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật