Quy định về chiêu sinh nhà trẻ?
Căn cứ vào quy định của Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục thì điều kiện và tiêu chuẩn để thành lập nhóm trẻ như sau:
Tiêu chuẩn người đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ:
- Cá nhân đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Phẩm chất, đạo đức tốt;
- Sức khỏe tốt;
- Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định.
Điều kiện đăng ký hoạt động:
- Số lượng trẻ em trong nhóm trẻ tối đa là 07 (bảy) trẻ;
- Người chăm sóc trẻ có đủ sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm, đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định;
- Cơ sở vật chất phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu như sau:
+ Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ có diện tích tối thiểu là 15m2; bảo đảm an toàn, thoáng, mát, đủ ánh sáng, sàn nhà láng xi măng, lát gạch hoặc gỗ, có cửa ngăn cách với các khu vực khác;
+ Có đồ dùng, đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi của trẻ;
+ Có đủ đồ dùng cá nhân phục vụ trẻ ăn, uống, ngủ, sinh hoạt và các thiết bị phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ; có đủ nước chín cho trẻ uống hàng ngày;
+ Có phòng vệ sinh và thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ; có đủ nước sạch cho trẻ dùng.
- Có bản thỏa thuận với phụ huynh về việc nhận nuôi dưỡng, chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhóm trẻ.
- Có tài liệu hướng dẫn thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ.
Về thẩm quyền:
Văn bản đăng ký hoạt động nhóm trẻ gửi Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong văn bản nêu rõ các điều kiện đăng ký hoạt động và cam kết đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhóm trẻ.
Về thời gian cấp Giấy phép trong luật không quy định rõ là bao nhiêu thì được cấp Giấy phép. Vì vậy, chúng tôi không thể đưa ra chính xác thời gian cấp Giấy phép hoạt động.
Tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục.
Trong trường hợp có đủ căn cứ chứng minh nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không bảo đảm an toàn và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; không bảo đảm yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị; hoặc không có quyết định cho phép thành lập và cho phép hoạt động giáo dục mà vẫn hoạt động thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo một trong các hình thức sau:
a) Nhắc nhở bằng văn bản;
b) Xử phạt hành chính theo quy định hiện hành;
c) Tạm ngừng công tác của cá nhân, cán bộ, giáo viên, nhân viên hoặc tạm ngừng hoạt động giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục;
d) Đình chỉ hoạt động hoặc giải thể;
đ) Kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 3, 6 Điều 5 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như sau:
Phạt tiền đối với hành vi tự ý thành lập cơ sở giáo dục theo các mức phạt sau đây: Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non.
Căn cứ vào quy định này thì đối với trường hợp hoạt động giáo dục không có quyết định cho phép thành lập mà vẫn chiêu sinh và dạy thì sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc giải thể.
Như vậy, để thành lập nhóm trẻ thì bạn phải đáp ứng được điều kiện chúng tôi nêu trên, về thời gian cấp giấy phép hoạt động trong luật không quy định rõ nên chúng tôi không đưa ra chính xác thời gian giúp bạn được. Nếu như bạn chưa có giấy phép thành lập nhóm trẻ mà đi vào hoạt động thì có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc giải thể. Nếu bạn mở chiêu sinh và treo biển tên trước thì cũng không được phép khi chưa có giấy phép hoạt động.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc chiêu sinh nhà trẻ. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật