Trách nhiệm bồi thường khi vi phạm hợp đồng gửi giữ tài sản
Hợp đồng gửi giữ tài sản theo Đều 559 Bộ luật dân sự 2005 là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại tài chính tài sản đó cho bên gửi khi hết hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Theo hợp đồng trên, bên gửi và bên giữ tài sản có các quyền và nghĩa vụ sau:
Bên gửi tài sản:
Quyền của bên gửi tài sản theo Điều 561 Bộ luật dân sự 2005:
- Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý;
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Nghĩa vụ của bên gửi tài sản theo Điều 560 Bộ luật dân sự 2005:
- Khi giao tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ; nếu không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường;
- Phải trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thoả thuận.
Bên giữ tài sản:
Quyền của bên giữ tài sản theo Điều 563 Bộ luật dân sự 2005:
1. Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thoả thuận;
2. Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công;
3. Yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn;
4. Bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.
Nghĩa vụ bên giữ tài sản theo Điều 562 Bộ luật dân sự 2005:
1. Bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ;
2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi;
3. Báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí;
4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Như vậy, trong trường hợp này của bạn,nếu bên giữ xe của bạn làm mất chiếc xe của bạn thì bên giữ tài sản phải bồi thường thiệt hại cho bạn. Chiếc vé gửi xe là bằng chứng xác nhận bạn và bên trông xe có lập thành hợp đồng gửi giữ tài sản.
Với bằng chứng nêu trên, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho chiếc xe bị mất của bạn.
Mức bồi thường thiệt hại do các bên thỏa thuận và được xác định theo giá thị trường tại thời điểm chiếc xe bị mất.
Nếu không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án để Tòa án xác định mức bồi thường cho bạn.
Thời gian để giải quyết một vụ dân sự trong trường hợp của bạn nếu không có nhiều tình tiết phức tạp thì khoảng trên 4 tháng theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Theo Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án 2009 thì nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm thuộc về bên trông xe cho bạn nếu toàn bộ yêu cầu của bạn được Tòa án chấp nhận.
Án phí sơ thẩm bao gồm các loại theo Điều 24 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án 2009:
- Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch;
- Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch;
- Án phí dân sự phúc thẩm.
Trường hợp của bạn, án phí thuộc loại Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch;
Theo khoản 2 Mục I Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án 2009 thì giá trị tài sản tranh chấp của bạn trên 4 triệu đồng – 4 trăm triệu đồng. Nên mức án phí phải chịu là 5% giá trị tài sản có tranh chấp.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm bồi thường khi vi phạm hợp đồng gửi giữ tài sản. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật