Khi nào người lao động phải bồi thường chi phí đào tạo?
Điều 61 Bộ luật Lao động 2012 quy định: "Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động:
1. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.
Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
2. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.
3. Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia."
Điểm b Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 quy định: "Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng". Hợp đồng mà chị T ký kết với bên A là hợp đồng có thời hạn (12 tháng).
Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 quy định: "Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng". Do khi hết hạn hợp đồng lao động quá 30 ngày mà bên A không ký kết hợp đồng lao động với chị T nên hợp đồng lao động mà chị T và bên A đã ký kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quy định: "Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này." Như vậy, chị T có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo cho bên A biết trước ít nhất 45 ngày và chị T đã thực hiện đúng quy định về thời hạn thông báo.
Bộ luật Lao động 2012 quy định trường hợp phải hoàn trả chi phí đào tạo tại Điều 43 Bộ luật Lao động 2012: "Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:
1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.''
Tuy nhiên, vì Hợp đồng học việc và Hợp đồng lao động của chị T tồn tại độc lập với nhau, cho nên, tổng thời gian làm việc của chị T chưa đủ 02 năm, cho nên, dù chị T không vi phạm nghĩa vụ trong Hợp đồng lao động, nhưng chị T lại vi phạm nghĩa vụ trong Hợp đồng học việc, nên chị T vẫn phải bồi thường chi phí đào tạo.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bồi thường chi phí đào tạo. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Lao động 2012 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật