Quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở
Căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp thì bố bạn cho bạn và anh trai bạn cùng đồng sở hữu căn nhà trên như vậy theo quy định tại Điều 223 Bộ luật dân sự 2005 thì:
1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác.
Trong trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Toà án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.
4. Trong trường hợp một trong các chủ sở hữu chung từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại."
Như vậy, có thể thấy rằng căn nhà trên thuộc quyền sở hữu chung của 2 anh em bạn,chính vì thế cho nên hai anh em của bạn có thể thỏa thuận về việc xem ai sở hữu phòng nào trong hai căn phòng trên. Sau khi đã phân chia xong thì người nào sỡ hữu phòng nào thì người đó có quyền định đoạt đối với căn phòng mà mình sở hữu theo quy định tại khoản 1 Điều 223 nêu trên.Qua thông tin bạn cung cấp thì sau khi bố của bạn cho hai anh em của bạn đồng sở hữu căn nhà trên thì bạn sở hữu căn phòng mà chị gái của bạn đang sử dụng. Trong trường hợp này nếu như không được phép của bạn thì chị của bạn không có quyền sử dụng, định đoạt, chiếm hữu căn phòng của bạn, cụ thể tại Điều 46 Bộ luật dân sự năm 2005 và có quy định:
"Cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý.
Chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người; việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định."
Như vậy, nếu như chị của bạn mà có hành vi cố ý không dọn khỏi căn phòng thuộc quyền sở hữu của bạn thì bạn có quyền yêu cầu chị của bạn dọn khỏi căn phòng của bạn trên, nếu như chị của bạn còn không rời đi thì bạn có quyền yêu cầu sự giúp đỡ của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi bạn cư trú để áp dụng một trong các hình thức xử lý theo Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
đ) Trục xuất.
2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.
Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
3. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Theo Điều 124 Bộ luật hình sự 1999 thì :
1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm"
Thông qua các phân tích trên thì:
1/ Bạn có quyền yêu cầu công an phường đóng cửa căn phòng thuộc quyền sở hữu của bạn mà chị gái của bạn sử dụng và yêu cầu của bạn không vi phạm quy định của pháp luật bởi căn phòng đó hoàn toàn do bạn định đoạt.
2/ Hành vi sử dụng chỗ ở của bạn mà không được bạn đồng ý là vi phạm pháp luật cụ thể là vi phạm quy định tại Điều 46 Bộ luật dân sự 2005
Nhà nước và xã hội khuyến khích các bên trong tranh chấp giải quyết thông qua hòa giải, như vậy trong trường hợp của bạn thì nếu như tranh chấp có thể hòa giải, thỏa thuận được với nhau thì nên hòa giải, thỏa thuận với nhau để tình cảm chị em không bị sứt mẻ và đỡ tốn thời gian, cho phí cho việc kiện tụng tại tòa án. Trong trường hợp không thể hòa giải được thì mới cần đến tòa án.
3/.Chi phí thì theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định như sau:
Án phí là tất cả chi phí để tiến hành tố tụng hình sự bao gồm tiền thù lao cho người làm chứng, người bị hại, người giám định, người phiên dịch, người bào chữa trong trường hợp Toà án chỉ định và các khoản chi phí khác."
Án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu.
Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của Toà án.
Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nếu Toà án tuyên bị cáo vô tội thì người bị hại phải trả án phí".
Căn cứ quy định nêu trên thì có hai trường hợp xảy ra là:
- Trường hợp thứ nhất là nếu Tòa tuyên chị gái của bạn có tội thì chị gái của bạn sẽ phải chịu hết án phí.
- Trường hợp thứ hai là nếu Tòa tuyên chị của bạn vô tội thì bạn phải chịu hết án phí.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật