Tố cáo hành vi đánh ghen làm xâm hại đến danh dự của người khác

Em gái tôi có mối quan hệ bạn bè với 1 người đàn ông. Nhưng bị vợ cùng 4 người phụ nữ đánh ghen và cắt tóc vô căn cứ ở bệnh viện khi em gái tôi đi khám bệnh. Em gái tôi báo công an và đã viết tờ trình. Nhưng không thấy công an giải quyết. Cho tôi hỏi, tôi phải làm gì để giúp em tôi đòi lại công bằng? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Đối với hành vi đánh người và lôi kéo, xui giục người khác cùng tham gia đánh người, tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

- Thứ nhất, về vấn đề xử phạt hành chính. Căn cứ Điểm a, Điểm b Khoản 1 và Điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vự an ninh, trật tự, an toàn, xã hội; phòng, chống, tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bảo lực gia đình như sau:

"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;

...

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;"

Như vậy, đối với hành vi của người vợ cùng với 4 người khác đánh và cắt tóc của em bạn tại bệnh viện thì vi phạm vào Điểm a, Điểm b Khoản 1 và Điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vự an ninh, trật tự, an toàn, xã hội; phòng, chống, tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bảo lực gia đình nêu trên. 

- Thứ hai, về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ Điều 104 Bộ Luật hình sự 1999 quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ  61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân".

Như vậy, nếu tỷ lệ thương tật của em bạn từ 11% trở lên, hoặc có thể dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp quy định tại các Điểm từ Điểm a đến Điểm k của Khoản 1 Điều 104 Bộ Luật hình sự 1999 thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án đối với tội cố ý gây thương tích. 

Trong trường hợp có đủ căn cứ để xác định người vợ và 4 người khác đã có hành vi đánh bạn gây tổn hại sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của em bạn thì ngoài việc trình báo với cơ quan công an, bạn có thể tố cáo hành vi này ra cơ quan công an yêu cầu  cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành giải quyết vụ việc.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tố cáo hành vi đánh ghen làm xâm hại đến danh dự của người khác. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ Luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào