Thẩm quyền ra lệnh tạm giam đối với người chưa thành niên
Căn cứ Điều 303 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 về bắt, tạm giữ, tạm giam như sau:
1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật này, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật này, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
3. Cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam.''
Như vậy đối với người chưa đủ 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ đối với trường hợp phạm tội nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam đưa ra quyết định.
Khoản 3 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định tạm giam như sau: Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.
Khoản 1 Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định bắt bị can, bị cáo để tạm giam như sau:
Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
a) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
b) Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;
c) Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;
d) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Như vậy, thẩm quyền ra lệnh tạm giam gồm: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Đối với các chủ thể khác như chỉ huy quân sự, đồn biên phòng, chỉ huy máy bay tàu biển không có quyền ra lệnh tạm giam. Đối với Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển có quyền ra quyết định tạm giữ; người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thẩm quyền ra lệnh tạm giam đối với người chưa thành niên. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng hình sự 2003 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật