Văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài được quy định như thế nào?
Văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đã được quy định cụ thể tại Điều 46 Luật Giáo dục đại học 2012.
Theo đó, văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài được quy định như sau:
1. Văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có chức năng đại diện cho cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.
2. Văn phòng đại diện có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thúc đẩy hợp tác với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thông qua việc xúc tiến xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học;
b) Tổ chức các hoạt động giao lưu, tư vấn, trao đổi thông tin, hội thảo, triển lãm trong lĩnh vực giáo dục đại học nhằm giới thiệu về tổ chức, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài;
c) Đôn đốc, giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giáo dục đại học đã ký kết với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam;
d) Không được thực hiện hoạt động giáo dục đại học sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam và không được phép thành lập chi nhánh trực thuộc văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam.
3. Cơ sở giáo dục đại học nước ngoài được cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có tư cách pháp nhân;
b) Có thời gian hoạt động giáo dục đại học ít nhất là 05 năm ở nước sở tại;
c) Có điều lệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng;
d) Có quy chế tổ chức, hoạt động của văn phòng đại diện dự kiến thành lập tại Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học.
5. Văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
a) Hết thời hạn ghi trong giấy phép;
b) Theo đề nghị của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thành lập văn phòng đại diện;
c) Giấy phép bị thu hồi vì không hoạt động sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép lần đầu hoặc 03 tháng, kể từ ngày được gia hạn giấy phép;
d) Bị phát hiện có sự giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện;
đ) Có những hoạt động trái với nội dung của giấy phép;
e) Vi phạm các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Luật Giáo dục đại học 2012.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật