Tiền lương khi đi học huấn luyện an toàn lao động vào ngày nghỉ
Căn cứ Điều 3 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương như sau:
1. Nghỉ trong giờ làm việc theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.
2. Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.
3. Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.
4. Thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
5. Nghỉ mỗi ngày 30 phút đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh.
6. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.
7. Thời giờ học tập, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
8. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.
9. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập cán bộ công đoàn không chuyên trách theo quy định của pháp luật về công đoàn.
10. Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.
Mặt khác, điểm b Khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 quy định tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
Theo quy định trên, thì thời giờ học tập, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương theo quy định của pháp luật. Nếu người sử dụng lao động tiến hành tập huấn, huấn luyến an toàn lao động vào ngày nghỉ hằng tuần thì phải trả tiền lương ít nhất bằng 200% so với thời gian làm việc bình thường vào ban ngày.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tiền lương khi đi học huấn luyện an toàn lao động vào ngày nghỉ. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 45/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật