Chủ nhà có phải bồi thường khi người thuê nhà bị trộm?
Trước tiên trường hợp này phải dựa vào nội dung của hợp đồng thuê nhà giữa bạn và chủ nhà trọ để xem xét trách nhiệm của người chủ trọ vì quan hệ cho thuê nhà ở thuộc đối tượng điều chỉnh theo quy định của Bộ luật dân sự 2005.
Trường hợp 1. Nếu trong hợp đồng thuê nhà ở giữa hai bên có nội dung điều khoản quy định về việc chủ nhà trọ phải có nghĩa vụ và trách nhiệm trông giữ tài sản của người đi thuê, thì khi xảy ra sự việc bị trộm vào phá cửa lấy đi tài sản người chủ nhà trọ mới có trách nhiệm bồi thường.
Tại Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
''Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.''
Như vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đủ các yếu tố như sau:
+Phải có thiệt hại xảy ra: thiệt hại vật chất hoặc thiệt hại về tinh thần
+Phải có hành vi trái pháp luật.
+Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
+Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Đối với trường hợp này, bạn phải chứng minh được trong hợp đồng thuê nhà có điều khoản về trách nhiệm trông coi tài sản của chủ nhà trọ, việc để người khác vào phá cửa lấy tài sản là do lỗi vô ý hoặc cố ý của chủ nhà trọ và hành vi này là nguyên nhân trực tiếp làm cho kẻ trộm có cơ hội đột nhập vào để phá cửa lấy đi tài sản.
Theo đó, nếu đủ căn cứ thì chủ nhà trọ phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc quy định tại Điều 605 Bộ luật dân sự 2005:
''Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.''
Đối với trường hợp này, hai bên sẽ cùng thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại, nếu không thỏa thuận được thì có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp 2. Đối với trường hợp trên hợp đồng thuê nhà ở giữa bạn và chủ nhà trọ không có nội dung quy định về trách nhiệm trông coi tài sản và việc kẻ trộm vào phá cửa lấy tài sản không do lỗi của người chủ nhà thì chủ nhà không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về số tài sản đã bị mất của bạn.
Do đó, trong trường hợp này bạn yêu cầu người chủ nhà trọ cần có hành vi phối hợp bạn và cơ quan công an điều tra để tìm ra kẻ trộm cắp tài sản. Theo đó, bạn làm đơn trình báo sự việc đến cơ quan công an nơi bạn cư trú để được điều tra, xác minh.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bồi thường khi người thuê nhà bị trộm. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật