Cơ chế, chính sách về huy động vốn đầu tư cho dự án đầu tư cải tạo, xây lại nhà chung cư
Cơ chế, chính sách về huy động vốn đầu tư cho dự án đầu tư cải tạo, xây lại nhà chung cư đã được quy định cụ thể tại Điều 16 Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo đó:
1. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây lại nhà chung cư được huy động các nguồn vốn:
a) Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư;
b) Vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;
c) Tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê nhà ở hình thành trong tương lai đối với phần diện tích nhà ở còn lại (sau khi bố trí tái định cư) và diện tích công trình kinh doanh (nếu có) trong phạm vi dự án;
d) Vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam;
đ) Vốn vay từ Quỹ phát triển nhà ở và nguồn vốn khác của địa phương (nếu có) để triển khai thực hiện dự án.
2. Trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư được bố trí căn hộ mới mà phải nộp thêm tiền chênh lệch diện tích thì được vay vốn tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam; vay vốn từ Quỹ phát triển nhà ở và nguồn vốn khác của địa phương (nếu có) theo quy định của pháp luật về tín dụng và pháp luật về tài chính để thanh toán khoản tiền chênh lệch phải nộp.
3. Chủ đầu tư dự án được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật về nhà ở đối với các diện tích nhà ở còn lại (sau khi thực hiện bố trí tái định cư) và diện tích kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi dự án (nếu có) theo phương án quy hoạch được duyệt và quyết định chủ trương đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về cơ chế, chính sách về huy động vốn đầu tư cho dự án đầu tư cải tạo, xây lại nhà chung cư. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 101/2015/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật