Cách xác định phòng vệ chính đáng
Theo quy định Bộ luật hình sự 1999, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Hành vi được xem là phòng vệ chính đáng phải bảo đảm các nội dung sau:
+ Thứ nhất, nạn nhân là người có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân người phòng vệ hoặc người khác, hành vi có tình nguy hiểm đáng kế.
+ Thứ hai: hành vi chống trả cần thiết. Tính cần thiết thể hiện ở việc không thể không chống trả. Thiệt hại gây ra do hành vi chống trả có thể bằng hoặc lớn hơn thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra.
Theo thông tin bạn cung cấp, vợ cũ của bạn có hành vi xông vào nhà bạn, đánh bạn và phá hoại tài sản của bạn, bạn có giằng co và tát vợ cũ của bạn dẫn đến mắt trái bị sưng. Do bạn không nói rõ thiệt hại của hai bên như thế nào nên chưa thể xác định đây có phải là phòng vệ chính đáng hay không?
Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 quy định Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau:
"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân."
Nếu hành vi của bạn gây tỷ lệ thương tật cho vợ cũ từ 11% trở lên và đây không phải là phòng vệ chính đáng thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích. Khi tòa án xét xử sẽ căn cứ vào nguyên nhân gây ra xô xát giữa hai bên để xác định khung hình phạt đối với bạn.
Nếu việc gây thương tích của bạn do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 106 Bộ luật hình sự 1999 tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:
"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm."
Nếu việc chống trả lại của bạn là phòng vệ chính đáng thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì bạn và vợ cũ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a) Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như say:
"2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;"
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về cách xác định phòng vệ chính đáng. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật