Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu trong hợp đồng tư vấn xây dựng được quy định như thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu trong hợp đồng tư vấn xây dựng được quy định tại Điều 14 Thông tư 08/2016/TT-BXD hướng dẫn về hợp đồng tư vấn xây dựng. Theo đó,
1. Quyền của bên nhận thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 37/2015/NĐ-CP và các quy định sau:
a) Được quyền yêu cầu bên giao thầu thanh toán đúng hạn, yêu cầu thanh toán các Khoản lãi vay do chậm thanh toán theo quy định.
b) Đối với tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình: Kiến nghị chủ đầu tư tạm dừng thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không bảo đảm an toàn.
2. Nghĩa vụ của bên nhận thầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định 37/2015/NĐ-CP và các quy định sau:
a) Thu thập các thông tin cần thiết để phục vụ cho công việc của hợp đồng:
Bên nhận thầu phải thu thập các thông tin liên quan đến các vấn đề có thể ảnh hưởng đến tiến độ, giá hợp đồng hoặc trách nhiệm của bên nhận thầu theo hợp đồng, hoặc các rủi ro có thể phát sinh cho bên nhận thầu trong việc thực hiện công việc tư vấn xây dựng được quy định trong hợp đồng.
Trường hợp lỗi trong việc thu thập thông tin, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác của bên nhận thầu để hoàn thành công việc tư vấn xây dựng theo các Điều Khoản được quy định trong hợp đồng thì bên nhận thầu phải chịu trách nhiệm.
b) Thực hiện công việc đúng pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho hợp đồng và đảm bảo rằng tư vấn phụ (nếu có), nhân lực của tư vấn và tư vấn phụ sẽ luôn tuân thủ luật pháp.
c) Nộp cho bên giao thầu các báo cáo và các tài liệu với số lượng và thời gian quy định trong hợp đồng. Bên nhận thầu thông báo đầy đủ và kịp thời tất cả các thông tin liên quan đến công việc tư vấn xây dựng có thể làm chậm trễ hoặc cản trở việc hoàn thành các công việc theo tiến độ và đề xuất giải pháp thực hiện.
d) Bên nhận thầu có trách nhiệm trình bày và bảo vệ các quan Điểm về các nội dung của công việc tư vấn xây dựng trong các buổi họp trình duyệt của các cấp có thẩm quyền do bên giao thầu tổ chức.
đ) Sản phẩm tư vấn xây dựng phải được thực hiện bởi các chuyên gia có đủ Điều kiện năng lực hành nghề theo quy định của pháp luật. Bên nhận thầu phải sắp xếp, bố trí nhân lực của mình hoặc của nhà thầu phụ có kinh nghiệm và năng lực cần thiết như danh sách đã được bên giao thầu phê duyệt để thực Hiện công việc tư vấn xây dựng.
e) Cử đại diện có đủ thẩm quyền, năng lực để giải quyết các công việc còn vướng mắc tại bất kỳ thời Điểm theo yêu cầu của bên giao thầu cho tới ngày nghiệm thu sản phẩm tư vấn xây dựng đối với tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi; ngày hoàn thành và bàn giao công trình đối với tư vấn thiết kế công trình xây dựng.
g) Cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho các cuộc họp, báo cáo, thẩm định,... với số lượng theo đúng thỏa thuận của hợp đồng tư vấn xây dựng đã ký kết.
h) Tuân thủ các yêu cầu và hướng dẫn của bên giao thầu, trừ những hướng dẫn hoặc yêu cầu trái với luật pháp hoặc không thể thực hiện được.
i) Tham gia nghiệm thu các giai đoạn, nghiệm thu chạy thử thiết bị, nghiệm thu hoàn thành hạng Mục công trình và toàn bộ công trình khi có yêu cầu của bên giao thầu đối với tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình và tư vấn thiết kế xây dựng công trình.
k) Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra khi thực hiện không đúng nội dung hợp đồng tư vấn xây dựng đã ký kết.
Trên đây là quy định về Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu trong hợp đồng tư vấn xây dựng. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 08/2016/TT-BXD.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật