Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm

Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được quy định như thế nào? Và căn cứ pháp lý ở đâu? Chào Ban biên tập Thư Ký Luật, em tên là Nguyễn Thu Hiền (hien***@gmail.com, 22 tuổi). Gần đây, em có đọc báo trên mạng và được biết vấn đề an toàn thực phẩm đang là một mối quan tâm lớn của xã hội. Em thắc mắc: hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt ra sao? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn.

Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Theo đó:

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

3. Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ, e, g và h Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y trước khi sản xuất, chế biến thực phẩm;

b) Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm;

c) Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm được thực hiện từ mẫu thực phẩm bị đánh tráo hoặc giả mạo hoặc phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp sai quy định;

d) Buộc tiêu hủy giấy tờ giả;

đ) Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Biện pháp khắc phục hậu quả

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào