Tài sản tranh chấp khi ly hôn có được phép bán không?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 39 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”
Chiếu theo quy định trên, việc chia tài sản chung khi ly hôn chỉ có hiệu lực khi Bản án, Quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật. Vậy trong trường hợp của bạn hiện nay vẫn đang trong thời gian TAND giải quyết và chưa có 1 bản án, quyết định nào thì tài sản chung vẫn sẽ là tài sản chung của 2 vợ chồng, và các lợi ích phát sinh từ các tài sản chung đó vẫn sẽ là tài sản chung của vợ chồng.
Để đảm bảo quyền lợi cho mình, trước tiên mẹ bạn cần phải có chứng cứ về việc hiện nay bố bạn đang cho thuê căn nhà đó và số tiền thu được từ việc cho thuê căn nhà và yêu cầu TAND thực hiện việc phân chia số lợi tức phát sinh từ tài sản này.
Ngoài ra bố bạn có các hành vi bạo lực gia đình cũng là một trong những yếu tố để tính và thực hiện chia tài sản chung theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, vậy mẹ bạn có thể trình bày thêm hành vi trên của bố bạn để xem xét giải quyết đến nguyên tắc phân chia di sản.
Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc bán tài sản đang tranh chấp khi ly hôn. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật