Thủ tục nhận cha con khi không đăng ký kết hôn
Khoản 1 Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 quy định: “Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt”.
Đồng thời, Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn: "Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật".
Như vậy, nếu hai anh chị muốn đăng ký khai sinh cho con trước khi đăng ký kết hôn mà vẫn có đầy đủ tên cả cha lẫn mẹ trong giấy khai sinh của cháu thì anh cần làm thủ tục nhận con, khi đi mang theo xét nghiệm ADN chứng minh anh là cha ruột của cháu để đưa tên anh vào giấy khai sinh của cháu.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục nhận cha con khi không đăng ký kết hôn. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Hộ tịch 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật