Hành vi ngăn cản quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con được xử lý thế nào?
Căn cứ theo Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ:
“1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”
Và căn cứ theo Điều 71 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng:
“Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình ...”
Như vậy, việc chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên là quyền và là nghĩa vụ của cha mẹ. Cha mẹ phải yêu thương con, chăm lo việc học tập giáo dục, trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con. Và cha, mẹ có quyền ngang nhau cùng chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên… Do đó, vợ bạn và những người khác không được can thiệp, ngăn cản bạn thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với con: chăm sóc, nuôi dưỡng, trông nom con của bạn.
Việc vợ bạn và những người khác can thiệp, ngăn cản bạn thực hiện quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng… là vi phạm quy định của luật hôn nhân gia đình.
Căn cứ theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ–CP quy định về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau:
“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”
Trong trường hợp, bạn có thể thực hiện làm đơn gửi đến UBND để yêu cầu giải quyế, xử lý. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã sẽ thực hiện xem xét và xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý hành vi ngăn cản quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật